COVID-19 Mỹ: Kéo dài giãn cách xã hội, New York phân bì hỗ trợ

Theo trang thống kê Worldometer, Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 1.459 người tử vong vì COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 22.036. Đây là ngày thứ tư liên tiếp Mỹ có số ca tử vong trong ngày trên 1.000 người. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ hiện là 559.968, tăng 27.089 ca.

Cường quốc này tiếp tục là quốc gia có số ca mắc bệnh và tử vong do đại dịch COVID-19 cao nhất thế giới

Một bệnh nhân COVID-19 được đưa đến BV Elmhurst thuộc bang New York, Mỹ ngày 7-4. Ảnh: REUTERS

New York khá dần, các khu vực khác vẫn xấu

Hiện khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ vẫn là bang New York với 9.385 ca tử vong, tăng 758 người trong 24 giờ qua. Số ca nhiễm mới cũng tăng 8.271, lên 189.415 bệnh nhân.

Dù vậy, trong cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 cuối ngày 12-4, Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo khẳng định các số liệu cho thấy dịch đang bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên, ông vẫn cảnh báo các địa phương tiếp tục giữ vững tinh thần cảnh giác với đại dịch, tờ The New York Post cho hay.

Về vấn đề nguồn lực chống dịch, ông Coumo lên tiếng chỉ trích chính phủ liên bang phân bổ ngân sách tài chính không đều. Theo những gì ông Cuomo viết trên Twitter thì bang New York là bang thiệt hại nặng nhất nhưng chỉ được nhận khoảng 12.000 USD tiền hỗ trợ cho mỗi người bệnh. Trong khi đó, ở các bang như Montana hay Nebraska thì số tiền này lại lên đến gần 300.000 USD.

Người đứng đầu bang New York cũng kêu gọi chính phủ liên bang cần tăng mức cứu trợ cho các bang lên ít nhất 500 tỉ USD để tiếp tục duy trì các dịch vụ thiết yếu trong thời gian tới. 

Theo sau bang New York về tình hình dịch là bang lân cận New Jersey với 61.850 người nhiễm và 2.350 ca tử vong. Giữa hai bang này có mức cách biệt rất xa về số ca nhiễm, lên tới gần 128.000 người.

Các bang có tình hình dịch nghiêm trọng tiếp theo lần lượt là Massachusett (25.475 ca nhiễm, 756 người tử vong), Michigan (24.638 ca nhiễm, 1.487 người tử vong) và California (23.177 ca nhiễm, 674 người tử vong). Đáng chú ý, California là bang có dân số đông nhất Mỹ nhưng chỉ xếp thứ năm về số bệnh nhân COVID-19. 

Cũng trong ngày 12-4, phó thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere xác nhận Wyoming đã trở thành bang thứ 50 và là bang cuối cùng của Mỹ ban bố tình trạng thảm họa sau khi được Tổng thống Donald Trump phê chuẩn. 

Đây là lần đầu tiên toàn bộ 50 bang của Mỹ được đặt dưới tình trạng thảm họa cùng lúc. Bên cạnh đó, các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ như quần đảo Bắc Mariana, Guam, Puerto Rico cũng đã ban bố tình trạng thảm họa.

Việc tuyên bố tình trạng thảm họa được đánh giá là giúp chính quyền các tiểu bang và vùng lãnh thổ sử dụng ngân sách liên bang để ứng phó với đại dịch. Dù tình hình ở Wyoming chưa đến mức trầm trọng như một số bang khác, việc tuyên bố tình trạng thảm họa sẽ giúp chính quyền chuẩn bị và huy động các nguồn lực khi cần thiết.

Mỹ có thể mở cửa dần một phần nền kinh tế vào tháng 5

Phát biểu hôm 12-4, Giám đốc Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci nhận định nước này có thể mở cửa trở lại một phần nền kinh tế vào tháng 5 thay vì đột ngột mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế, theo đài CNA.

Mặt khác, ông Fauci cũng khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bùng phát trở lại. Nhà Trắng cùng ngày cũng thông báo gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội đến cuối tháng 4.

Dù vậy, vẫn còn một số chuyên gia khác đánh giá việc cho mở cửa lại kinh tế lúc này là còn quá sớm. 

Cụ thể, Ủy viên Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn cho rằng đúng là số ca lây nhiễm ở Mỹ đang tiến gần đỉnh, thời điểm mở cửa lại nền kinh tế vẫn chưa thể xác định được.

Theo ông Hahn, sự an toàn của người dân vẫn phải là ưu tiên số một và công tác xét nghiệm diện rộng sẽ là chìa khóa quyết định có nên mở cửa lại nền kinh tế hay không. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được thực hiện đồng bộ trên toàn nước Mỹ. 

Về phía Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo trước đó cũng thừa nhận rằng quyết định khi nào mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ là thời khắc quan trọng nhất đối với ông.

“Chúng tôi sẽ cân nhắc thời điểm rõ ràng nhưng sẽ không làm gì cho tới khi chúng tôi biết nước Mỹ đã mạnh khỏe. Chúng tôi không muốn dịch bệnh bùng phát trở lại và một lần nữa phải áp dụng các biện pháp như thời gian qua” - ông Trump nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm