Tính đến 20 giờ ngày 10-3, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế của nhiều quốc gia ghi nhận toàn thế giới có 4.089 ca tử vong do dịch COVID-19, 116.059 trường hợp nhiễm. Như vậy, so với cùng giờ ngày 9-3, số ca tử vong tăng 207 người, số ca nhiễm tăng 4.708 trường hợp.
Hiện dịch đã lây lan sang 115 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thông tin tích cực gần đây về tình hình dịch tại một số khu vực trọng điểm ở châu Á như Trung Quốc (TQ) đại lục hay Hàn Quốc, nhiều điểm nóng khác trên thế giới vẫn diễn biến nghiêm trọng khiến hy vọng về đỉnh dịch sẽ xuất hiện trong năm nay ngày càng bất khả thi.
Iran tăng kỷ lục số ca tử vong
Hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết nước này ngày 10-3 ghi nhận thêm 54 ca tử vong chỉ trong 24 giờ, con số cao kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát tại nước cộng hòa Hồi giáo này. Tổng cộng, Iran đã có 291 người thiệt mạng vì virus gây dịch COVID-19. Iran cũng có thêm 881 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mang mầm bệnh lên 8.042.
Chính quyền Tehran hiện thời chưa ban hành lệnh cách ly nhưng vẫn kêu gọi mọi người hạn chế di chuyển nhằm tránh dịch bệnh lây lan nghiêm trọng hơn.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Tư pháp Iran Ebrahim Raisi cùng ngày thông báo tạm thời trả tự do cho khoảng 70.000 tù nhân để ngăn chặn dịch lây lan. Ông Raisi khẳng định việc phóng thích số lượng lớn tù nhân sẽ không gây mất an ninh trong xã hội. Dù vậy, quan chức này không nói rõ liệu những tù nhân được thả có phải trở lại nhà tù khi dịch hết hay không.
Thư ký của phó tổng thống phụ trách khoa học và công nghệ Iran - ông Mostafa Qanei cũng cho biết Iran đang sử dụng các bộ dụng cụ chẩn đoán nhận dưới hình thức viện trợ từ TQ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Theo ông Qanei, số bộ dụng cụ này chỉ đủ dùng cho hai tháng tới và sau thời gian này Iran sẽ cho lưu hành bộ dụng cụ được chế tạo trong nước.
Nhân viên y tế đang thăm khám cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thủ đô Tehran ngày 1-3. Ảnh: AFP
Ý: không đủ giường cho bệnh nhân
Tính đến cuối ngày 10-3, đã có 463 người tử vong/9.172 ca nhiễm virus gây bệnh COVID-19 tại Ý. Quốc gia Nam Âu này giờ trở thành nước có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai chỉ sau TQ, vượt qua Hàn Quốc và Iran.
Theo hãng tin Reuters, các vùng có dịch ở Ý đang phải đối mặt với tình trạng bệnh viện đặc biệt quá tải, nhất là tại các khu chăm sóc đặc biệt. Thực trạng này cũng góp phần khiến dịch bệnh lây lan nghiêm trọng hơn. Truyền thông khu vực đưa tin các bệnh viện ở miền Bắc Ý đã phải ưu tiên điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 có cơ hội bình phục cao hơn do thiếu nguồn lực.
Một bác sĩ giấu tên tại BV Cremona ở Lombardy nói với tờ La Croix (Ý) rằng trong vài ngày gần đây, các bác sĩ phải chọn người để đặt ống thở. “Giữa hai bệnh nhân 40 tuổi và 60 tuổi đều có nguy cơ tử vong, chúng tôi phải lựa chọn. Điều này thật kinh khủng và chúng tôi đã khóc nhưng chúng tôi không đủ thiết bị” - người này nói.
Hiện virus gây dịch COVID-19 đã lây lan và bám rất chắc ở nhiều quốc gia trên thế giới, nguy cơ bùng phát đại dịch toàn cầu đang rất gần. Tuy nhiên, dù đó có phải là đại dịch hay không thì chúng ta vẫn không bao giờ được bỏ cuộc. Chúng ta nhất định không được để virus này chi phối. Tổng giám đốc WHO TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS |
Chủ tịch Hiệp hội An thần, giảm đau, hồi sức tim phổi và chăm sóc đặc biệt Ý (SIAARTI) Flavia Petrini chia sẻ chính phủ mới đây đã tuyên bố đẩy nhanh sản xuất thiết bị y tế để tăng khoảng 50% số giường bệnh tại các khu chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là những giường bệnh đó sẽ được bố trí ở đâu. “Chúng tôi không thể bố trí giường bệnh chăm sóc đặc biệt một cách tùy tiện. Có thể cân nhắc sử dụng khu phẫu thuật như biện pháp tạm thời nhưng cách này sẽ làm chậm trễ việc điều trị đã lên lịch sẵn cho các bệnh nhân khác” - bà Petrini nói.
Trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy, nhà báo Mattia Ferraresi của tờ Il Foglio chỉ trích chính quyền Rome đã đánh giá thấp dịch COVID-19 và việc đấu đá chính trị đã khiến virus lây lan nhanh. Cụ thể, Ý cho dừng mọi chuyến bay từ TQ vào ngày 30-1 nhưng virus được cho là đã lây lan tại nước này từ trước. Mặt khác, du khách vẫn tiếp tục từ TQ đến Ý thông qua các điểm nối khác ở khắp châu Âu.
Cựu phó thủ tướng Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên minh phương Bắc, là một trong những người đầu tiên kêu gọi các biện pháp cách ly người từ TQ sang. Tuy nhiên, chính quyền Ý đã bỏ ngoài tai lời kêu gọi này, cho rằng ông Salvini đang sử dụng bệnh dịch để thúc đẩy chính sách bài nhập cư của ông. Bên cạnh đó, việc thông tin tràn lan và mâu thuẫn về ý kiến của các chuyên gia trên truyền thông cũng khiến người dân bối rối trong việc chọn lựa thông tin chính xác về dịch COVID-19.
Ca nhiễm Trung Quốc giảm mạnh, Hàn Quốc khả quan Đến tối 10-3, TQ đại lục chỉ ghi nhận thêm 26 ca nhiễm COVID-19 so với ngày 9-3, nâng tổng số ca nhiễm lên 80.761 trường hợp. Số ca tử vong cũng tăng thêm 17 ca, lên 3.136 người. Tại tâm dịch Vũ Hán, hầu hết bệnh viện dã chiến đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân, chuẩn bị tháo dỡ hoàn toàn. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã đến thăm trực tiếp TP này trong ngày 10-3 để gặp gỡ và động viên lực lượng y tế ở đây, theo Tân Hoa xã. Ngoài TQ, Hàn Quốc cũng bắt đầu ghi nhận chiều hướng giảm số ca lây nhiễm COVID-19. Cơ quan y tế nước này chỉ xác nhận thêm 131 ca nhiễm mới đến tối 10-3, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 7.513. Đây là số ca nhiễm mới thấp nhất ở Hàn Quốc trong hai tuần qua. Ba ca tử vong mới cũng được công bố, đưa tổng số trường hợp thiệt mạng vì dịch bệnh lên 54 người. Tổng thống Moon Jae-in cho biết nước này sẽ sớm bước vào giai đoạn ổn định nếu số ca nhiễm tiếp tục giảm. “Chúng ta phải duy trì xu hướng này. Chúng ta đã đến được lúc này là nhờ vào những người dân đã đoàn kết và hợp tác tốt với chính phủ. Dù vậy, người dân vẫn hãy kiên nhẫn và tránh xa những sự kiện đông người” - hãng tin Yonhap dẫn lời ông Moon nhấn mạnh. |