Cử tri đề nghị nâng định mức hàng hóa được miễn thuế

(PLO)- Theo Bộ Tài chính, khoảng 90% mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới đang được hưởng mức thuế suất 0%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét báo cáo Chính phủ sớm sửa đổi bổ sung quy định tại phụ lục V Nghị định 134/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Cụ thể là nâng định mức hàng hóa được miễn thuế đối với cư dân biên giới là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới, đảm bảo định mức giá trị hàng hóa được miễn thuế tương đương, gần với định mức giá trị hàng hóa được miễn thuế của cư dân biên giới Trung Quốc.

Theo Bộ Tài chính, Nghị định 134/2016 quy định miễn thuế đối với hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới như sau: “Hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới thuộc danh mục hàng hóa để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới do Bộ Công thương công bố trong định mức quy định tại nghị định này được miễn thuế theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Trường hợp mua bán, vận chuyển hàng hóa trong định mức nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới phải kê khai khai nộp thuế theo quy định…

Phụ lục V quy định, cư dân biên giới là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới, người có giấy phép của cơ quan công an tỉnh biên giới cho cư trú khu vực biên giới khi mua bán trao đổi hàng hóa được miễn thuế với giá trị không quá 2.000.000 đồng/người/lượt/ngày; không quá bốn/lượt/tháng”.

Như vậy, mỗi cư dân được miễn thuế cho hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới phục vụ sản xuất tiêu dùng với giá trị tối đa là 8.000.000 đồng/tháng (96 triệu đồng/người/năm).

phien-cho-Son-la.jpg
Chợ phiên Cán Cấu tỉnh Lào Cai. Ảnh: MINH SƠN /Vietnam+

Theo Bộ Tài chính, định mức miễn thuế này đang cao hơn so với mức thu nhập bình quân đầu người/tháng của cư dân tại hầu hết các địa phương thuộc khu vực biên giới có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn như Lai Châu, Điện Biên, Gia Lai...

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại biên giới đang thực hiện theo Nghị định 14/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới đã tạo khung pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại biên giới… Tuy nhiên, thực tế đã bộc lộ một số bất cập.

Đáng chú ý, có hiện tượng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, lập danh sách cư dân sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế để nhập khẩu các lô hàng lớn rồi bán lại.

Bộ Công thương đang kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 14/2018, trong đó dự kiến giảm định mức miễn thuế và trị giá hàng hoá nhập khẩu theo hình thức mua bán, trao đổi của cư dân.

Hiện nay, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nhập khẩu theo hình thức chính ngạch, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hầu hết hàng hóa tại các hiệp định mà Việt Nam, Trung Quốc là thành viên cơ bản là 0%.

Đồng thời, qua rà soát thuế suất trong hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN- Trung Quốc đã hoàn thành nghĩa vụ cắt giảm vào năm 2020. Trong đó, khoảng 90% mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới đang được hưởng mức thuế suất 0%.

Từ những phân tích trên, vấn đề tăng định mức giá trị hàng hóa được miễn thuế cho cư dân biên giới cần được đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc tổng thể các yếu tố liên quan. Trong giai đoạn hiện nay, đề nghị cử tri thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Bộ Tài chính, hàng hóa thuộc danh mục mua bán trao đổi của cư dân biên giới đều là những mặt hàng trong nước sản xuất được. Nhà nước đang có chủ trương khuyến khích người dân tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước.

Việc đặt vấn trên có thể sẽ khuyến khích cư dân biên giới sử dụng hàng nhập khẩu thay vì sử dụng hàng trong nước. Đồng thời, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu nhập khẩu theo hình thức chính ngạch, bền vững hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm