Sáng 21-10, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ĐBQH Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng: công tác chỉ đạo điều hành, nhất là trong phòng, chống COVID-19 còn bất cập.
"Về điều hành chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, có trường hợp lo lắng quá mà không dám đưa ra quyết định, sợ trách nhiệm. Run sợ mà không dám đưa ra quyết sách phù hợp là không ổn”, ông An nói.
Ông An cho rằng, khi đã chuyển trạng thái chống dịch thì phải chuyển cả trạng thái trong điều hành. Phải tự tin chứ không nên lo sợ. Ông An nói cần chấn chỉnh nghiêm khắc với những vị trí, cá nhân không làm tốt, xử lý nghiêm, đến nơi đến chốn những người không làm hết trách nhiệm, gắn với động viên kịp thời.
Ông An trước khi đề cập đến vai trò từ “tư lệnh” của Bộ Y tế đã đặc biệt đánh giá cao vai trò của các cán bộ ngành y tế trong phòng, chống dịch. Ông An trân trọng sự hy sinh của lực lượng y tế. Tuy vậy, khi nhìn vào vai trò điều hành của “tư lệnh” y tế thì ông còn “băn khoăn”.
ĐBQH Trịnh Xuân An nói nếu xảy ra loạn giá kit xét nghiệm thì cần phải có vai trò điều hành, định hướng cho địa phương. Ảnh: CHÂN LUẬN
Chẳng hạn với tình trạng “loạn giá kit xét nghiệm”, ông An nói: Bộ Y tế bảo không quy định giá và địa phương tự thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra tình trạng giá kit xét nghiệm chênh lệch thì cần phải có vai trò điều hành, định hướng cho địa phương để tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi một giá.
"Đây là vấn đề phải làm rõ trách nhiệm", ông nói, “Không thể giá kit xét nghiệm nơi thì 25.000 nơi thì 85.000”.
Ông An cho hay, khi trực tiếp trao đổi với một giám đốc bệnh viện lớn tại Hà Nội về công tác mua sắm trang thiết bị cho phòng chống dịch thì được biết, các bệnh viện lớn "sợ trách nhiệm không dám mua sắm, đấu thầu trang thiết bị vật tư để chống dịch mà phải đi xin tài trợ".
Điều này là “không ổn” vì Quốc hội đã có Nghị quyết, Chính phủ cũng có Nghị quyết trao cơ chế đặc thù cho phòng, chống COVID-19. Các Nghị quyết này và các văn bản trước đó cũng cho cơ chế để các cơ sở y tế có quyền chủ động mua sắm, đấu thầu nhưng thực tế các bệnh viện lại không triển khai.
Ông An còn đề cập đến những “lùm xùm” trong vấn đề doanh nghiệp, nhà tài trợ và đối tác nước ngoài muốn đưa vaccine về Việt Nam nhưng lại “gặp khó khăn”.
"Ở đây với vai trò điều hành, quản lý lĩnh vực này, nếu doanh nghiệp, cá nhân có cái tâm, muốn đưa về thì phải hướng dẫn. Thực tế có đơn vị dù muốn đóng góp nhưng không có hướng dẫn, cứ phải hỏi đi hỏi lại, nên công tác chỉ đạo điều hành cần phải rõ", ông An nói.
ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) thì “chia sẻ và xúc động” trước cách điều hành dấn thân của Thủ tướng khi đi vào tận tâm dịch. Và cũng chính từ đây, các vấn đề về y tế cơ sở mới bộc lộ. Ông đề nghị Chính phủ tập trung vào việc khẩn trương xây dựng và hoàn thiện chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai hiệu quả thích ứng an toàn dịch bệnh, nâng cao công tác dự báo, dự phòng…
ĐBQH Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao cho rằng: Nhiều người nói hệ thống y tế quá tải, nhưng phải hiểu hệ thống y tế được thiết kế cho điều kiện bình thường, chứ không phải cho tình trạng bất thường như COVID.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, đến nay dịch bệnh đã kiểm soát và nếu không có nỗ lực tổng thể vừa qua thì hậu quả có thể còn lớn hơn. Trong điều kiện như vậy, ổn định, niềm tin xã hội được giữ vững, an sinh được bảo đảm… là điều rất mừng.
Ông Nguyễn Hòa Bình cũng đánh giá, các giải pháp, hoạt động y tế trong chống dịch là rất đa dạng. Chưa khi nào chúng ta có thể huy động lực lượng, kể cả y bác sỹ về hưu, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng y tế trong thời gian ngắn để đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch như vậy.
Ông Nguyễn Hòa Bình cũng đánh giá quỹ vaccine là một điểm sáng bên cạnh chiến dịch “ngoại giao vaccine” mà các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đóng vai trò hạt nhân.