Sáng 28-4, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022. Hội nghị có sự tham dự của hàng trăm đại biểu, trong đó có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, tỉnh có nhiều thế mạnh để phát triển về kinh tế, trong đó nông nghiệp cũng là một mũi nhọn.
Lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển rõ nét. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá hiện hành) năm 2021 tăng hơn 1,4 lần so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,64%/năm, cao hơn 1,5 lần so với bình quân cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư. Ảnh QN |
Tỉnh Đắk Lắk đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chương trình mỗi xã một sản phẩm được đẩy mạnh với 72 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3-4 sao.
Chăn nuôi tăng trưởng khá, tổng đàn tăng hàng năm với nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn phát triển. Những kết quả này cho thấy đây là hướng đi đúng, nhiều triển vọng đưa Đắk Lắk phát triển.
“Tỉnh Đắk Lắk trân trọng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch với mong muốn hợp tác cùng phát triển. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cam kết sẽ phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tại địa phương”, ông Nghị phát biểu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng Đắk Lắk hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh QN |
Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, hội nghị lần này là dịp để giới thiệu về thực trạng, tiềm năng, thế mạnh đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, mang đến cho các nhà đầu tư hình ảnh về một mảnh đất Đắk Lắk giàu tiềm năng phát triển và là điểm đến hấp dẫn, an toàn và đầu tư hiệu quả. Đây là dịp để các địa phương, doanh nghiệp gặp gỡ, khảo sát, trao đổi, bàn thảo về khả năng hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản tại tỉnh Đắk Lắk có hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm của Vùng Tây Nguyên, với đường biên giới dài 73 km, là cửa ngõ và đầu mối giao thương, hợp tác trong khu vực tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.
Tỉnh còn là nơi tập trung nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp có quy mô lớn, cấp vùng, khu vực, như: Trường Đại học Tây Nguyên, Viện Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên…, có nhiều điều kiện thuận lợi để hợp tác, kết nối không gian phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp Đắk Lắk. Ảnh QN |
Có thể khẳng định Đắk Lắk có tiềm năng và lợi thế lớn phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thưc tế Tỉnh đang phát triển nhiều nông sản với diện tích, sản lượng, chất lượng ngày càng tăng và đứng hàng đầu cả nước, như: Cà phê, Hồ tiêu, Ca cao, Macca, trái cây, mật ong…
Đặc biệt, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến được khởi công trong năm 2023 sẽ rút ngắn quãng đường từ TP Buôn Ma Thuột, đến cảng biển Nam Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) còn 118km, thời gian di chuyển ôtô còn khoảng 1 giờ 30 phút, mở ra cơ hội lớn cho đầu tư phát triển vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, nông thôn và và nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản.
Theo Thứ trưởng, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột với số lượng chuyến bay hàng ngày không ngừng tăng đến Thủ đô Hà Nội, các thành phố: Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh và nhiều tỉnh, thành cả nước, trong tương lai gần sẽ nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế.
Thêm vào đó, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế về giá trị địa kinh tế, Đắk Lắk còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc thù, tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của tỉnh. Các truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc tạo bức tranh văn hóa dân gian với những mảng màu khác nhau, nhưng lại kết hợp khá hài hòa tạo nên một nét độc đáo, tinh tế của một phong cách Đắk Lắk.
Các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống này tạo cơ hội, điều kiện để tỉnh phát triển kinh tế, du lịch nông thôn và xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…
“Chúng ta có thể khẳng định rằng, với Đắk Lắk đã hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.