Thân nhân của hành khách trên máy bay mất tích Malaysia Airlines MH370 tập trung tại một ngôi chùa ở Bắc Kinh cầu nguyện kỉ niệm sáu tháng kể từ ngày máy bay biến mất.
Các thành viên trong gia đình nạn nhân hầu hết là người già, tập trung tại cửa Chùa Lạt-ma ở trung tâm Bắc Kinh, mặc áo thun có dòng chữ "cầu nguyện MH370 bình yên trở về nhà".
Nhiều người khóc nức nở trong khi một người đàn ông đọc bài thơ ông đã viết về chiếc máy bay mất tích. Một nhóm cảnh sát mặc thường phục xuất hiện, phá vỡ vòng vây của các nhà báo, tiếp cận và buộc người đàn ông phải dừng lại. Buổi cầu nguyện nhanh chóng trở nên hỗn loạn và căng thẳng.
Các thành viên trong gia đình nạn nhân gào thét tại cửa Chùa Lạt-ma ở trung tâm Bắc Kinh trong buổi cầu nguyện MH370 (Ảnh: Kim Kyung-Hoon/Reuters)
Tuy nhiên chỉ vài phút sau đó, các nhân viên an ninh mặc thường phục đã chế ngự được đám hỗn loạn, giải tán các nhà báo, và kéo tay những người phụ nữ ra khỏi đám đông. Một người mẹ khóc thét: “Con của tôi ở đâu”, trong khi một bà mẹ khác nức nở: “Cha và mẹ đang mong ngóng tin con”.
"Tôi nghĩ rằng hãng hàng không Malaysia Airlines và chính phủ Malaysia đang lừa dối mọi người - và trong khi cả thế giới đang dõi theo vụ việc thì không ai cho chúng tôi biết bất cứ điều gì", bà Dai Shuqin, 61 tuổi, người có em gái trên chiếc MH370 nói trước đám đông.
“Chúng tôi không biết liệu ngài Chủ tịch Tập Cận Bình có biết bất cứ điều gì về vụ việc hay không. Nhưng chúng tôi hi vọng ông ấy sẽ nói cho chúng tôi nghe nếu ông tìm ra điều gì đó”, Dai Shuqin nói tiếp.
Nhiều người thân của các nạn nhân phản ánh có rất ít các kênh thông tin chính thức phản ánh những bức xúc của họ. Các phương tiện truyền thông và tòa án đều do Chính phủ kiểm soát. Thế nên rất nhiều gia đình của các nạn nhân trên MH370 đã chọn cách biểu tình, viết các bài viết trực tuyến trên các trang mạng quốc tế không bị kiểm duyệt để “đánh động”.
Một số gia đình nói rằng nhà chức trách đã bắt đầu ứng phó với họ như những kẻ chống đối. Bà Dai kể trong tháng 7, công an bắt giữ khoảng 30 người trong đó có hai trẻ em đang cố gắng ngủ lại trung tâm hỗ trợ MH370 mặc dù có sự cho phép của nhân viên trung tâm. Có ít nhất hai người bị đánh đập trong tù.
Bian Liangwei, một cư dân 26 tuổi của tỉnh Hà Bắc, có anh trai trên chuyến bay nói rằng ông và những người thân khác đã viết thư cho chính phủ Malaysia, Trung Quốc và thậm chí là Liên Hợp Quốc để yêu cầu cung cấp thông tin về chuyến bay.
Luật sư địa phương đã từ chối giúp đỡ các gia đình này vì động chạm đến "vấn đề luật pháp quốc tế", trong khi các nhà báo trong nước bị cấm viết về hoàn cảnh của các gia đình nạn nhân.
“Chúng tôi cảm thấy rất thất vọng vì bị đối xử như vậy, trong khi chúng tôi không làm gì sai luật”, Bian Liangwei chia sẻ trên The Guardian.
Ông Bian cho biết thêm hãng hàng không đề nghị bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân mức tiền 50,000 USD. Nhưng hầu hết các gia đình đã từ chối vì cho rằng chưa có thông tin chính thức xác định tất cả hành khách trên MH370 đã chết, thế nên điều họ vẫn tin người nhà mình còn sống, và điều họ quan tâm lúc này là làm thế nào để người thân họ được quay trở về.
Không có dấu vết nào của MH370 được tìm thấy kể từ khi nó mất tích khi khởi hành từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8-3 với 239 hành khách và phi hành đoàn, trong đó có 154 người Trung Quốc.
Các quan chức điều tra quốc tế đã sử dụng thông tin vệ tinh để thu hẹp phạm vi khu vực tìm kiếm xuống còn 60.000 km vuông trên Ấn Độ Dương khu vực phía tây nước Úc.
Các nhà điều tra nghi ngờ rằng máy bay đã cố tình chuyển hướng - nhưng ngay cả khi họ tìm thấy những mảnh vỡ nghi là của máy bay thì cũng không thể kết luận được điều gì vì chúng đã bị ngâm dưới nước quá lâu.
Đây có thể là bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không.