KỶ NIỆM 69 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN 19-8

Dân tin thì mọi việc sẽ thành

Thời gian qua, Đà Nẵng trở thành một TP du lịch, điểm đến an toàn cho du khách trong và ngoài nước. Để đạt được kết quả tích cực đó chính là nỗ lực không ngừng của Công an TP Đà Nẵng. Pháp Luật TP.HCM có cuộc phỏng vấn đối với Thượng tá Trần Phước Hương - Chánh Văn phòng Công an TP Đà Nẵng về vấn đề này.

. Phóng viên: Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP Đà Nẵng diễn biến như thế nào, thưa ông?

+ Thượng tá Trần Phước Hương: Thời gian qua, Công an TP Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các đợt tấn công, trấn áp các loại tội phạm, không để xảy ra tình trạng các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen. Công tác điều tra, bắt giam, xử lý các loại tội phạm không để xảy ra oan sai. Đặc biệt, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam), các đối tượng phản động đã lợi dụng lôi kéo một số thanh niên, công nhân, học sinh… biểu tình, kích động lôi kéo bạo lực nhằm gây rối, phá hoại. Chúng tôi đã triển khai lực lượng xuống các khu công nghiệp, trường học để tuyên truyền cho người dân nắm rõ: “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nhưng cũng phải đảm bảo đối ngoại và an ninh của mình”. Ngoài ra, chúng tôi quản lý chặt các đối tượng cơ hội chính trị, tăng cường tuần tra kiểm soát tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động. Để xây dựng Đà Nẵng thành một điểm đến an toàn cho du khách, lực lượng công an tăng cường nhân sự cho lực lượng phòng, chống cướp giật và trộm cắp, bảo đảm an ninh trật tự tại các khu du lịch. Đồng thời, phối hợp với Sở VH-TT&DL để chống nạn chèo kéo, bu bám du khách…

Hình ảnh thường gặp ở Đà Nẵng. Ảnh: TT

. Công an TP Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp nào để gần gũi với người dân hơn, thưa ông?

+ Chúng tôi đã bổ sung thêm lực lượng xuống các cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Các lực lượng thường xuyên tiếp xúc với người dân phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân. Riêng lực lượng CSGT được bồi dưỡng, nâng cao thái độ văn hóa ứng xử với người dân. Từ năm 2013, Công an TP cũng đã triển khai mô hình “cảnh sát khu vực đi tuần tra bằng xe đạp” tại các phường. Hiện 100% các phường ở TP Đà Nẵng đều được bố trí xe đạp cho lực lượng này xuống cơ sở làm việc. Việc tuần tra bằng xe đạp giúp cảnh sát khu vực gần dân hơn nên nắm rõ các thông tin, tình hình trên địa bàn mình phụ trách, đảm bảo an ninh trật tự. Qua đó, hình ảnh người chiến sĩ công an cũng trở nên gần gũi, thân thiện với từng người dân. Việc sử dụng xe đạp trong khi làm nhiệm vụ đã được người dân đánh giá cao.

 . Xin cảm ơn ông.

TẤN TÀI

Thiếu tướng NGUYỄN PHI HÙNG, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống tội phạm - Bộ Công an:

Phải sâu sát với dân

Nhiệm vụ của công an là bảo vệ Tổ quốc và sự bình yên của người dân. Ngày nào Tổ quốc và nhân dân chưa yên lực lượng công an còn gánh trách nhiệm. Thời gian qua, lực lượng công an đấu tranh phòng, chống tội phạm đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm và cùng với sự giúp đỡ người dân đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, tội phạm còn nhiều và từng nơi, từng lúc gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc và bất an trong nhân dân. Bác Hồ từng dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu vẫn xong”.

Vì vậy, mỗi chiến sĩ làm công tác phòng, chống tội phạm phải nâng cao trách nhiệm, sát cánh với dân hơn nữa, thường xuyên rèn đức luyện tài, trau dồi nghiệp vụ, bản lĩnh, mưu trí để trấn áp tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức. Khi dân tin, dân yêu thì không có việc gì không hoàn thành.

Đại tá ĐINH XUÂN NGỌ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Cấm cán bộ kinh doanh vận tải

Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ở các lĩnh vực thường xuyên va chạm với người dân như hộ khẩu, CMND, xuất nhập cảnh, PCCC… Trước đây, hình thức góp ý trực tiếp tại hội nghị khiến người dân còn e ngại thì nay chúng tôi đã đổi mới thông qua các hình thức tiếp nhận góp ý qua thư điện tử, đường bưu điện. Phiếu thăm dò gửi tới cho người dân, doanh nghiệp vận tải, kinh doanh… mà không phải công bố tên tuổi thật và được mọi người hưởng ứng, đóng góp nhiều ý kiến.

Công an tỉnh thường xuyên luân chuyển cán bộ để đề phòng nguy cơ xảy ra việc bảo kê, quen biết cả nể khi cán bộ ở một địa bàn quá lâu. Những cán bộ có dư luận xấu mà chưa có chứng cứ cũng sẽ luân chuyển, sau đó nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý. Chúng tôi nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ công an và người nhà, nhất là trong lĩnh vực CSGT có xe vận tải hoặc hoạt động trong lĩnh vực vận tải. Quy định này ngăn chặn việc “lộng hành” của cán bộ, đề phòng cán bộ xử lý nương tay cho xe nhà mình để xử phạt người khác. Công an tỉnh không bao che, dung túng cho các cá nhân sai phạm. Khi phát hiện cán bộ vi phạm, tùy theo mức độ sẽ điều chuyển sang lĩnh vực khác, địa bàn khác hoặc là xử lý kỷ luật.

Đại tá HOÀNG VĂN HUỆ, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước:

Tăng cường kiểm tra các đơn vị dễ phát sinh tiêu cực

Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Phước không ngừng nâng cao sức chiến đấu trong toàn lực lượng. Ban giám đốc Công an tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu hành động “Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”.

Công an tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành điều lệnh, tư thế, lễ tiết tác phong, văn hóa giao tiếp ứng xử của cán bộ, chiến sĩ công an. Đề cao vai trò nêu gương, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị… Đặc biệt, công an tỉnh sẽ kiểm tra, thanh tra, giám sát những đơn vị dễ phát sinh những biểu hiện tiêu cực để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm.

TR.D-TRÙNG KHÁNH-NG.ĐỨC ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm