Đảng Dân chủ có nguy cơ mất ‘pháo đài’ Silicon về tay ông Trump

(PLO)- Được xem là pháo đài của đảng Dân chủ, Thung lũng Silicon có chiều hướng nghiêng dần về đảng Cộng hòa khi một bộ phận người giàu có và có ảnh hưởng ở đây quay sang ủng hộ ông Trump.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thung lũng Silicon (San Francisco, bang California, Mỹ) từ lâu được coi là pháo đài của niềm tin tự do và thường ủng hộ đảng Dân chủ. Do đó, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã gây ra sự thất vọng lớn tại khu vực này.

Tám năm trôi qua, quan điểm của nhiều nhà đầu tư tại đây đã thay đổi. Một bộ phận người giàu có và có ảnh hưởng ở Thung lũng Silicon thể hiện sự ủng hộ ông Trump cùng với ứng viên phó tổng thống J.D. Vance – một cựu nhà đầu tư mạo hiểm đã sống ở San Francisco gần 2 năm.

https___archive-images.prod.global.a201836.reutersmedia.jpg
Một góc Thung lũng Silicon. Ảnh: REUTERS

Trong vài tuần qua, một loạt các nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng đã tuyên bố ủng hộ ông Trump. Sự ủng hộ đặc biệt trở nên mạnh mẽ sau vụ ông Trump bị ám sát hụt hôm 13-7.

Loạt doanh nhân công nghệ tuyên bố ủng hộ ông Trump

Chỉ 30 phút sau khi có tin ông Trump bị ám sát hụt, tỉ phú Elon Musk viết trên X (Twitter): “Tôi hoàn toàn ủng hộ cựu Tổng thống Trump và hy vọng ông ấy sẽ nhanh chóng bình phục”. Theo đài CNN, ông Musk cũng cam kết góp tiền cho ủy ban hành động chính trị ủng hộ ông Trump, có tên là America PAC.

Hai ngày sau, hai doanh nhân Marc Andreessen và Ben Horowitz – những người sở hữu công ty đầu tư mạo hiểm kiểm soát 35 tỉ USD – cũng công khai ủng hộ ông Trump. Trong khi đó, ông Keith Rabois – đảm nhận vị trí cấp cao tại công ty dịch vụ thanh toán PayPal và mạng xã hội LinkedIn đã cam kết chi 1 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Đáng nói là vào năm 2016, ông Rabois từng gọi ông Trump là “người không có lương tâm”.

Hồi tháng trước, ông David Sacks – tỉ phú đầu tư công nghệ – đã đồng tổ chức một buổi gây quỹ cho ông Trump vào tại nhà riêng ở San Francisco. Ông cũng có bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa vào ngày 15-7.

Theo hồ sơ của Ủy ban Bầu cử Liên bang, America PAC còn nhận sự đóng góp của nhiều doanh nhân khác bao gồm hai doanh nhân Winklevoss, Doug Leone thuộc quỹ đầu tư Sequoia Capital và người đồng sáng lập công ty công nghệ Palantir – ông Joe Lonsdale.

Ông Shervin Pishevar – nhà đầu tư của công ty đa quốc gia Uber – cũng quay sang ủng hộ ông Trump. Trong cuộc phỏng vấn bên lề Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, ông Pishevar cho rằng: “Đảng Dân chủ mà tôi biết dưới thời Tổng thống Barack Obama không còn tồn tại nữa. Thay đổi ở Thung lũng Silicon là dấu hiệu cho thấy sự thừa nhận rằng đảng Cộng hòa đã trở nên cởi mở hơn nhiều với những ý tưởng lớn, nhằm thực sự xây dựng lại nước Mỹ, cũng như nắm bắt công nghệ và đổi mới”.

Trào lưu hay xu thế không thể đảo ngược?

Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn chưa phổ biến hoàn toàn tại Thung lũng Silicon.

Theo tổ chức nghiên cứu Open Secrets, cho đến nay, khoảng 80% số tiền quyên góp từ các công ty kinh doanh liên quan Internet đã đến tay đảng Dân chủ trong quá trình vận động tranh cử năm nay, mặc dù con số này đã giảm từ 90% trong năm bầu cử 2020. Các doanh nhân tại nhiều công ty công nghệ nổi tiếng vẫn đang ủng hộ Tổng thống Joe Biden và đã kêu gọi các đồng nghiệp cũng làm như vậy.

thung-lung-Silicon.jpg
Ông Trump và ông J.D. Vance tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng Hòa hôm 15-7. Ảnh: REUTERS

Tại San Francisco, chỉ có 9% người dân bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016. Con số này tăng lên 13% vào năm 2020.

Một số nhà đầu tư cho rằng sự ủng hộ tại Thung lũng Silicon dành cho ông Trump tăng lên là hệ quả của việc đảng Dân chủ đã không mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển tại đây.

Theo tờ Financal Times, những người ủng hộ ông Trump tin rằng nếu đắc cử ông sẽ giảm bớt gánh nặng thuế và giúp tăng lợi nhuận kinh doanh của họ.

Nhiều người trong số họ không ủng hộ kế hoạch của ông Biden đánh thuế ở mức 25% đối với những cá nhân có tài sản trên 100 triệu USD. Tuần trước, ông Andreessen Horowitz viết trên trang web của ông rằng khoản thuế này sẽ “hoàn toàn giết chết cả các công ty khởi nghiệp và ngành đầu tư mạo hiểm cấp vốn cho họ”.

Đồng tình, ông Adam Kovacevich – giám đốc điều hành của nhóm chính sách công nghệ Chamber of Progress – cho rằng hai điểm khó khăn lớn nhất đối với giới công nghệ hiện nay là quan điểm của chính quyền ông Biden về việc thực thi chống độc quyền và thái độ của chính quyền đối với tiền điện tử.

“Tôi không nghĩ nó liên quan nhiều đến ông Trump. Tôi nghĩ họ có thể sẽ ủng hộ ông Biden nếu họ cảm thấy nền kinh tế đổi mới được quan tâm và chú ý nhiều hơn” – ông Kovacevich nói.

Theo CNN, nói cách khác, những nhà đầu tư công nghệ tại Thung lũng Silicon không hẳn là thích ông Trump, mà vì họ không ủng hộ các chính sách của chính quyền ông Biden.

Theo đó, trong những năm gần đây, bà Lina Khan – chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang – đã điều hành loạt vụ kiện nhằm vào các công ty công nghệ lớn như Amazon, Microsoft và Meta. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào năm 2023, bà Khan mô tả những vụ kiện này là một phần của chiến dịch rộng lớn, huy động nhiều nguồn lực của chính phủ để giải quyết các vấn đề kinh tế hàng ngày của người Mỹ.

Dù vậy, những hành động của những doanh nhân nói trên khó có thể đại diện cho toàn bộ Thung lũng Silicon. Theo ông Kovacevich việc một số tên tuổi lớn quay sang ủng hộ ông Trump không có nghĩa là toàn bộ giới công nghệ đều ủng hộ cựu tổng thống.

“Trên thực tế, hầu hết các giám đốc điều hành của các công ty lớn đều không tham gia nhiều vào chính trị đảng phái. Họ sẽ phải làm việc với bất kỳ ai thắng cuộc bầu cử tổng thống” – ông Kovacevich nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm