Bài viết của FIFA còn đăng cả ý kiến của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Tổng Thư ký Lê Hoài Anh. FIFA đưa ra con số thống kê quả là thực tế và ấn tượng. Ngoài việc hai đội tuyển cấp quốc gia là tuyển Futsal có mặt tại vòng chung kết World Cup (Colombia) và vào vòng 16 đội thì đội U-19 Việt Nam cũng lần đầu có mặt tại vòng chung kết World Cup U-20 tại Hàn Quốc.
FIFA còn chỉ ra rằng năm 2016 vừa qua là một năm thành công, nhất là các đội trẻ Việt Nam. Đội U-16 lần đầu vào tứ kết châu Á (tại Ấn Độ), U-19 cũng thế là tạo dấu ấn lịch sử, nhất là khi đánh bại chủ nhà Bahrain để giành suất dự World Cup. U-23 Việt Nam cũng vào vòng chung kết (tranh suất Olympic tại Qatar). Duy chỉ có đội tuyển quốc gia không thành công khi bị loại ở bán kết AFF Cup.
U-19 Việt Nam là thu hoạch thành công nhất của bóng đá Việt Nam từ nỗ lực của các lò đào tạo mà VFF không góp công lẫn góp của. Ảnh: CTV
FIFA đánh giá lâu nay bóng đá trẻ châu Á thường là “sàn diễn” của các quốc gia mạnh nhưng lần này U-19 Việt Nam đã vượt lên và tạo nên hiện tượng của châu lục, đó là thành công lớn. Giải thích về sự thành công này, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói: “Đó là kết quả tất yếu sau nhiều năm nỗ lực theo chuẩn của AFC và FIFA” (!?).
Về việc Futsal Việt Nam góp mặt tại World Cup, Tổng Thư ký Lê Hoài Anh nói: “Futsal Việt Nam có giải vô địch từ năm 2007 nhưng đến năm 2015 thay đổi theo thể thức “league” nên chất lượng giải đấu tăng cao và cầu thủ được nâng tầm. Các đội nắm bắt được cơ hội dự các giải quốc tế chất lượng nên đội tuyển cũng nâng tầm lên. Đấy là chiến lược lâu dài của bóng đá Việt Nam”.
Tuy nhiên, tại hai giải vô địch cao nhất của quốc gia là V-League và hạng Nhất, nơi là “tấm gương” phản ánh đội tuyển quốc gia, tuy FIFA không đề cập nhưng rõ ràng đó là nơi phản ánh chân thực nhất.
Giải hạng Nhất thì luôn biến động số đội từng năm, giải V-League thì chất lượng cầu thủ, trọng tài và sân bãi còn lắm điều đáng bàn. Phải chăng đó cũng là mặt trái khiến đội tuyển quốc gia của bóng đá Việt Nam vẫn không có thành tích tốt bằng các đội trẻ.
FIFA cũng hay nhìn thành tích bề nổi và nghe báo cáo Nói năm 2016 bóng đá Việt Nam thành công hay thất bại thì những nhà chuyên môn nói bóng đá trẻ thành công, bóng đá lớn thất bại. Nói về bóng đá trẻ, không phải đó là kết quả tất yếu sau nhiều năm nỗ lực theo chuẩn của AFC và FIFA như Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói mà là do các lò đào tạo, các CLB tự thân thực hiện. Lò HA Gia Lai - Arsenal JMG là một minh chứng và VFF chẳng có tí công lẫn của gì bỏ vào đấy cả. Hay lứa cầu thủ U-19 với đa phần là lò PVF, lò Viettel là do nỗ lực tự thân của các CLB đấy thực hiện và VFF may mắn thừa hưởng từ những CLB. Phần cần làm để củng cố cho một nền bóng đá, cho hệ thống giải thì VFF rất bị động. Bằng chứng là mùa 2017 giải V-League còn đủ 14 đội nhưng giải hạng Nhất rớt xuống chỉ còn bảy đội tham dự và VFF hoàn toàn bị động. Ngay cả những phần hỗ trợ mà VFF hứa với các liên đoàn địa phương, các đội bóng nếu ông chủ tịch trúng cử thì đến nay đã hơn ba năm rồi mà lời hứa ấy vẫn không được thực hiện, hoặc “giảm giá” từ tiền tỉ hỗ trợ xuống còn máy vi tính khiến nhiều liên đoàn địa phương từ chối nhận. NG.NGUYÊN |