Ồ ạt thoái vốn
Mới đây, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Tập đoàn Yeah1, đã bán sạch cổ phiếu đang sở hữu tại công ty này với khối lượng hơn 4 triệu cổ phiếu. Với mức giá Yeah1 đang giao dịch trên thị trường xoay quanh 20.000 đồng thì ông Tống có khả năng thu về hơn 80 tỉ đồng.
Nhưng điều này cũng đồng nghĩa ông Tống không còn là cổ đông lớn tại đây khi mà trước đó đang nắm giữ tỉ lệ sở hữu gần 13% tại Yeah1. Vị chủ tịch Yeah1 cũng đã sẵn càng chuyển giao vị trí cho người khác trong kỳ đại hội cổ đông thường niên sắp đến.
Ông Tống chính là người sáng lập ra Yeah1 và đã có bước phát triển thần tốc, cũng như các kỳ vọng tăng trưởng nhanh khi chính thức lên sàn chứng khoán vào năm 2019.
Thế nhưng, chỉ sau đó vài tháng, sự kiện YouTube khoá kênh của Yeah1 đã khiến công ty nào bắt đầu lao dốc cả về doanh thu, lợi nhuận lẫn giá cổ phiếu. Trước đó, Yeah1 nằm trong top 8 network có nhiều lượt xem nhất trên thế giới và quản lý hơn 1.500 kênh YouTube lớn nhỏ.
Ban điều hành Yeah1 dù có nhiều nỗ lực xoay chuyển tình thế nhưng không nhiều thành công. Các cổ đông lớn như VinCapital, Tân Hiệp Phát lần lượt thoái vốn.
Và việc ông Tống bán sạch cổ phiếu đã cho thấy sự xuất hiện cổ đông lớn khác trong công ty. Theo ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, dù có thoái hết vốn nhưng công ty vẫn sẽ tiếp tục phát triển theo các hướng nắm bắt cơ hội thị trường, đặc biệt là mảng Digital - Tech Media; cải tiến mô hình kinh doanh bán lẻ; nắm bắt cơ hội kinh doanh mới như Fintech.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều rung lắc mạnh thì ông Nguyễn Đức Thuỵ là người sáng lập Công ty ThaiHolding đã đăng ký thoái sạch 87,4 triệu cổ phiếu, tương đương 24,97% tỉ lệ sở hữu tại đây trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 30-6. Ông Thụy cho biết, bán sạch vốn tại ThaiHolding với lý do cơ cấu danh mục đầu tư.
Hiện cổ phiếu ThaiHolding đang giao dịch ở mức giá 41.000 đồng, nếu bán thành công, ông Thuỵ có thể thu về hơn 3.500 tỉ đồng.
Vào tháng 5 vừa qua, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cũng đã bán hết 10 triệu cổ phiếu Công ty Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), một công ty nắm thị phần lớn về ngành đường tại thị trường Việt Nam. Với giá cổ phiếu SBT quanh mốc 22.000 đồng, ước tính ông Thành thu về 220 tỉ.
Ngoài ra trong tháng 4, thị trường cũng ghi nhận các đăng ký giao dịch của nhiều lãnh đạo công ty trên sàn chứng khoán từ vài chục ngàn cho đến hàng triệu cổ phiếu.
Ván cờ mới
Vào ngày 30-5, ông Đoàn Nguyên Đức, Phó Chủ tịch Công ty nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) đã bán hết 3 triệu cổ phiếu còn nắm giữ và chính thức không còn là cổ đông tại công ty mà ông đã sáng lập ra.
Câu chuyện bầu Đức bán cổ phiếu HNG đã diễn ra nhiều năm trước đó mà bản thân ông không giấu giếm là để trả nợ. “Tôi cũng rất hụt hẫng khi phải chuyển giao HNG nhưng đây là cách để giải quyết dứt nợ, tập trung vào sản xuất nuôi heo, trồng chuối, sầu riêng nhằm để đưa Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAG) tăng trưởng mạnh trở lại” - bầu Đức chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, khởi nghiệp và xây dựng doanh nghiệp là một công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều trí tuệ, sức lực và nguồn vốn. Các doanh nhân sẽ được đền đáp về tài sản, danh tiếng nếu điều hành kinh doanh thành công.
Tuy nhiên, các ông chủ vẫn có thể bán quyền sở hữu trong công ty của họ thông qua bán cổ phiếu đang nắm giữ. Tùy thuộc vào tình hình kinh doanh, chủ sở hữu có thể thực hiện việc bán toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu. Nguyên nhân, ông chủ bán cổ phần nhằm thu về lượng tiền mặt để có thể trả các khoản nợ hay sử dụng cho các khoản đầu tư mới, và cho phép họ đa dạng hóa tài sản cá nhân.
Cuối cùng, việc bán cổ phần của ông chủ doanh nghiệp có thể là kết quả đến từ việc đã kiệt sức và không thể phát triển doanh nghiệp hơn nữa, mà trao lại cho người khác có năng lực điều hành để vạch ra hướng đi mới tốt hơn cho công ty và các cổ đông.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho biết, ông chủ bán cổ phiếu công ty không quá hiếm trên thế giới. Ngay trong năm 2021, Jeff Bezos, ông chủ Amazon đã bán số lượng cổ phiếu nắm giữ lên đến con số 9,97 tỉ USD cổ phiếu. Hay Elon Musk, nhà sáng lập xe điện Tesla cũng bán hàng tỉ USD cổ phiếu Tesla. Những người sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin, đã bán cổ phiếu thu về khoảng 1,5 tỉ USD.
Lý do các ông chủ này bán cổ phiếu công ty của mình là do giá cổ phiếu tăng cao nên bán ra để thu về tiền mặt nhằm giải quyết các mục tiêu tài chính. Đây cũng là lý do chung thường được các chủ doanh nghiệp Việt Nam đưa ra.
“Việc ông chủ bán hết cổ phiếu và rời khỏi công ty không phải là điều quá tệ, mà có khi là bước khởi đầu tốt hơn. Do đó, các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu công ty đó cũng đừng quá lo ngại thoái vốn theo hành động của ông chủ.
Nhà đầu tư hãy dừng lại và xem xét ban lãnh đạo mới về năng lực, nguồn vốn, chiến lược kinh doanh mới. Nếu những yết tố mới này đem lại doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt trong tương lai thì hãy nắm giữ cổ phiếu. Lúc đó, cổ phiếu không chỉ tăng giá mà còn nhận được các khoản cổ tức tốt”, vị chuyên gia này nói.
Theo một chuyên gia, một khi công ty bị mua lại hoặc sáp nhập với công ty khác, thì các ông chủ có thể bán hết vốn của mình cho người mới nhằm trao lại quyền sở hữu cho người có năng lực hơn. Lúc này, giá cổ phiếu có thể tăng đột ngột nếu nó được mua lại với giá cao hơn đáng kể. Do đó, các nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu sau khi sáp nhập. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn phải xác định công ty có tốt hơn sau khi sáp nhập hoặc mua lại hay không trước khi ra quyết định. Nếu không thấy tốt hơn, nhà đầu tư nên bán cổ phiếu thu tiền đầu tư cho thương vụ kinh doanh khác. |