Đằng sau việc Ukraine liên tiếp tấn công kho dầu Nga

(PLO)- Ukraine nỗ lực tấn công kho dầu Nga nhằm làm gián đoạn chiến dịch quân sự của Moscow, song động thái này khó có thể xoay chuyển thế trận trong một sớm một chiều.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây, Ukraine liên tiếp tấn công các kho dầu Nga nằm sau chiến tuyến, ở trong lãnh thổ Nga. Chưa đầy 1 tháng, Ukraine được cho là đã mở 5 cuộc tấn công vào các cơ sở chứa xăng dầu của Nga.

UAV Ukraine liên tiếp tấn công kho dầu Nga

Diễn biến mới nhất vào hôm 21-1, Ukraine tấn công một trạm nhiên liệu, chuyên sản xuất các sản phẩm dầu xuất khẩu của công ty Novatek, ở khu phức hợp cảng thương mại Ust-Luga (tỉnh Leningrad, Nga) bằng máy bay không người lái (UAV) gây hỏa hoạn quy mô lớn. Theo giới chức Ukraine, mục tiêu cuộc tấn công này nhằm gây thiệt hại về kinh tế và phá hủy khâu hậu cần trong việc cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga.

Phía Nga đã xác nhận thông tin này. Chính quyền địa phương đã đặt quận Kingisepp - nơi vụ cháy xảy ra - vào tình trạng báo động cao, đồng thời sơ tán người dân khỏi hiện trường. Đài RT đưa tin rằng mặc dù vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ cháy nhưng người dân các thị trấn lân cận cho biết họ đã nghe thấy âm thanh của UAV trước vụ nổ.

Đằng sau việc Ukraine liên tiếp tấn công kho dầu Nga
Hỏa hoạn tại trạm nhiên liệu ở khu phức hợp cảng thương mại Ust-Luga (tỉnh Leningrad, Nga) nghi bị UAV Ukraine tấn công vào hôm 21-1. Ảnh: PETER KOVALEV/TASS/ZUMA PRESS

Trước đó, ngày 19-1, Ukraine cũng đã tấn công kho dầu Nga ở thị trấn Klintsy (tỉnh Bryansk, Nga) bằng UAV, gây cháy lớn ở khu vực này. Tỉnh trưởng Bryansk - ông Alexander Bogomaz cho biết các thùng dầu đã bốc cháy do UAV thả đạn vào, và một chiếc UAV đã bị bắn hạ. Một quan chức tình báo Ukraine giấu tên cho biết Ukraine đứng sau vụ tấn công này, tờ The New York Times đưa tin.

Trước đó 1 ngày, ông Oleksandr Kamyshin - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chiến lược Ukraine - cho biết phía Ukraine nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công kho dầu Nga ở TP St. Petersburg (Nga) vào ngày 18-1. Ông Kamyshin nói rằng cuộc tấn công này có liên quan một UAV do Ukraine sản xuất, đã bay được 1.250 km.

Dù không gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng các hình ảnh ở khu vực này cho thấy đã có một đám cháy dữ dội giữa một số xe tăng. Hãng thông tấn Nga TASS cho biết có 4 thùng nhiên liệu bốc cháy, đám cháy bao trùm một khu vực rộng khoảng 1.000 m vuông và có 140 lính cứu hỏa đã được huy động đến hiện trường.

Hai cuộc tấn công bằng UAV khác, vào ngày 29-12 và ngày 9-1, đã lần lượt gây ra hỏa hoạn tại một nhà máy lọc dầu ở tỉnh Krasnodar và tại cơ sở nhiên liệu ở thị trấn Oryol (tỉnh Oryol), phía tây nam nước Nga. Trong cả hai cuộc tấn công, quân đội Ukraine đều tuyên bố nhận trách nhiệm và thông tin được đăng công khai trên báo đài Ukraine.

Các cuộc tấn công của Ukraine có như muối bỏ bể?

Theo The New York Times, những cuộc tấn công này khó có thể có tác động đáng kể đến tình hình chung của cuộc chiến nhưng chúng vẫn quan trọng đối với Ukraine, vốn đang tìm mọi cách gây thiệt hại cho Nga trong bối cảnh chiến trường đang bế tắc.

Không có đủ vũ khí và quân số để giành lại thế chủ động trên thực địa, Kiev tăng chuyển sang chiến thuật du kích nhằm làm gián đoạn chiến dịch quân sự của Nga, trong đó có các hoạt động phá hoại cơ sở hạ tầng nhiên liệu, đường sắt và kho đạn dược.

Đằng sau việc Ukraine liên tiếp tấn công kho dầu Nga
Ảnh chụp màn hình từ video do Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga công bố hôm thứ 19-1 cho thấy đám cháy tại kho dầu ở tỉnh Bryansk (Nga). Ảnh: Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga/REUTERS

Bằng cách nhắm mục tiêu vào các cơ sở xăng dầu, Ukraine không chỉ đang cố gắng làm gián đoạn nguồn cung cấp cho quân đội Nga mà còn nhắm tới các cơ sở tạo ra doanh thu đáng kể để tài trợ cho cuộc chiến của Moscow ở Ukraine, theo The New York Times.

Bà Olena Lapenko, chuyên gia an ninh năng lượng tại viện nghiên cứu DiXi Group (Ukraine), nhận định: “Các cuộc tấn công vào các kho dầu làm gián đoạn các tuyến đường hậu cần và làm chậm hoạt động chiến đấu. Việc gián đoạn nguồn cung này, giống như máu cho cơ thể con người, là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm chống lại Nga trên chiến trường”.

Bà Lapenko nêu con số Moscow thu được hơn 400 tỉ USD từ xuất khẩu dầu mỏ kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2-2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm