Đạo luật 172 tuổi có thể là cứu cánh pháp lý với chủ tàu Titan

(PLO)- Đạo luật Giới hạn Trách nhiệm pháp lý được Mỹ ban hành năm 1851 có thể giúp OceanGate - chủ sở hữu tàu ngầm Titan bị nổ khi chở 5 người tham quan xác Titanic - thoát được một số nghĩa vụ bồi thường pháp lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vấn đề pháp lý xoay quanh vụ tàu ngầm Titan - thuộc sở hữu công ty lữ hành OceanGate - phát nổ khi chở khách tham quan xác tàu Titanic khiến 5 người thiệt mạng đang nhận được nhiều sự chú ý.

Như đã đưa tin về các rủi ro pháp lý mà công ty này phải chịu, mới đây tờ The Independent đưa tin rằng công ty điều hành tàu lặn Titan có thể thoát một số trách nhiệm pháp lý nếu chiếu theo một đạo luật mà chủ tàu Titanic đã từng áp dụng.

Theo The Independent, các cuộc điều tra hiện nay đang tập trung vào việc liệu OceanGate có phải chịu trách nhiệm pháp lý trước tòa hay không và nếu có thì trách nhiệm công ty gánh sẽ ở mức nào. Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định rằng sự tồn tại một bộ luật 172 năm tuổi có thể đóng vai trò “cứu cánh" đối với công ty, đó là: Đạo luật Giới hạn Trách nhiệm pháp lý được Mỹ ban hành năm 1851.

Tàu ngầm Titan thuộc công ty OceanGate. Ảnh: GETTY IMAGES

Tàu ngầm Titan thuộc công ty OceanGate. Ảnh: GETTY IMAGES

Câu hỏi về “khả năng đi biển"

“Bất kỳ bên tranh chấp nào cũng sẽ viện dẫn, ít nhất là một phần, Đạo luật Tử vong trên Biển (DOHSA). Hai khía cạnh đang được chú ý của vụ việc này (vụ tàu Titan) là khả năng đi biển của con tàu và việc mất đi thu nhập trong tương lai của người chết” - chuyên gia luật hàng hải Andrew Porter nêu ý kiến.

Theo The Independent, các cáo buộc về các nguy hiểm tiềm ẩn với tàu Titan đã xuất hiện từ sớm trong quá trình tìm kiếm con tàu. Hầu hết sự quan tâm dồn về 2 yếu tố: quá trình thử nghiệm và hệ thống liên lạc không đáng tin cậy con tàu. Về điều này, ông Potter cho biết rằng khi đề cập khả năng đi biển của con tàu, bất kỳ sơ suất nào của chủ sở hữu cũng sẽ là trung tâm của các vụ kiện cáo. Theo ông Potter, "chiếu theo luật hàng hải, chủ sở hữu có nghĩa vụ tuyệt đối cung cấp một con tàu đủ khả năng đi biển cho thủy thủ đoàn và hành khách”.

Ông Potter giải thích rằng khả năng đi biển được định nghĩa là “liệu ​​con tàu có phù hợp với mục đích và hành trình dự định của nó hay không”. Theo đó, luận điểm mấu chốt bên nguyên đơn sử dụng sẽ là yếu tố thiết kế và thử nghiệm của con tàu, tức là đặt câu hỏi về “liệu con tàu có đáp ứng các quy định cần thiết cho một chuyến đi thương mại hay không và liệu con tàu có được bảo dưỡng và trang bị phù hợp để thực hiện chuyến đi hay không”.

Theo ông Potter, đặt nghi vấn về “khả năng đi biển”, nguyên đơn không bắt buộc phải chứng minh rằng chủ sở hữu đã biết trước về lỗi (lỗi bảo trì hoặc lỗi thiết kế) dẫn đến sự cố, vì trong nhiều trường hợp, lỗi này tự nó có thể làm phát sinh trách nhiệm pháp lý cho chủ sở hữu con tàu.

Giới hạn trách nhiệm

Theo The Independent, các luật hàng hải cổ xưa có thể giúp OceanGate giảm bớt một số trách nhiệm pháp lý nếu bị kiện, tương tự như công ty White Star Line - đơn vị sở hữu tàu Titanic - đã làm sau khi Titanic va phải một tảng băng trôi và chìm cách đây 110 năm. Vị “cứu tinh" đó chính là Đạo luật Giới hạn Trách nhiệm pháp lý năm 1851.

“Theo luật hàng hải, trong một vài trường hợp nhất định, bị đơn là chủ tàu có thể nộp đơn yêu cầu giới hạn trách nhiệm ở bất cứ đâu và lập luận rằng họ không chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì. Điều này bắt nguồn từ luật năm 1851” - theo Giáo sư Lawrence B. Brennan thuộc Trường Luật Fordham.

Đạo luật này quy định trách nhiệm pháp lý của chủ tàu sẽ không vượt quá “giá trị của con tàu (vốn bằng 0 do đã nổ tung) và hàng hoá đang chờ xử lý”. Trong trường hợp chết hoặc bị thương, số tiền đó sẽ được nâng lên dựa trên khối lượng của tàu. Theo đó, nếu nộp đơn yêu cầu, số tiền mà OceanGate phải chi trả là không đáng kể, do khối lượng tàu Titan nhỏ.

Tuy vậy, Đạo luật Giới hạn trách nhiệm pháp lý 1851 đã được sửa đổi vào năm ngoái để giải quyết vụ cháy tàu nhỏ ở bang California năm 2019, và rất có thể tàu Titan cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này. Đạo luật sửa đổi đã miễn trừ “giới hạn trách nhiệm pháp lý” đối với tàu nhỏ, do đó OceanGate không thể giới hạn trách nhiệm pháp lý nếu công ty thật sự nằm trong phạm vi điều chỉnh.

Một vấn đề khác nữa là Đạo luật 1851 chỉ có hiệu lực khi thiệt hại gây ra không phải do lỗi sơ suất trong hiểu biết và kiến thức của chủ tàu. “Nếu có bằng chứng cho thấy OceanGate biết về một số lỗi thiết kế hoặc rủi ro nhưng vẫn tiếp tục vận hành tàu, thì điều đó có thể khiến họ không thể giới hạn trách nhiệm pháp lý, ngay cả khi vụ việc không nằm trong phạm vi điều chỉnh của đạo luật giới hạn trách nhiệm pháp lý đối với tàu nhỏ” - GS luật hàng hải Harowski thuộc ĐH Tulane (Mỹ) nhận định.

Ngoài ra, tàu Titan là tàu ngầm, và vì vẫn chưa có trường hợp pháp lý nào liên quan tới tàu ngầm trước đây do đó hiện không có tiền lệ nào để xem xét.

“Đó là một thiết bị, rõ ràng nó không phải là một con tàu đi trên mặt nước. Theo tôi biết, bản thân tàu Titan không được đăng ký với bất kỳ quốc gia nào nên nó không treo bất kỳ lá cờ nào, và vì vậy đây là một trường hợp mở” - GS Tom Schoenbaum thuộc ĐH Washington nói.

Theo The Independent, xung đột về quyền tài phán rất có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến những gì xảy ra tiếp theo.

“Đây là một tình huống thú vị vì nó xảy ra ở vùng biển quốc tế – nơi có rất nhiều vấn đề phức tạp về lựa chọn luật pháp và tranh chấp quyền tài phán, cũng như xác định thực thể hay cơ quan chính phủ nào sẽ phụ trách điều tra” - GS luật hàng hải Michael Harowski thuộc ĐH Tulane (Mỹ) nhận định về vụ nổ tàu Titan.

Theo chuyên trang thời sự hàng hải gCaptain, chủ tàu Titanic - con tàu bị chìm hồi năm 1912 sau vụ va chạm với các tảng băng trôi - đã từng đệ trình đơn yêu cầu giới hạn trách nhiệm pháp lý.

Theo đạo luật 1851, tổng số tiền mà gia đình nạn nhân thiệt mạng và bị thương nhận không vượt quá giá trị lúc bấy giờ của tàu Titanic, ước tính dưới 100.000 USD (300 USD của 14 xuồng cứu sinh còn lại và 92.000 USD thu nhập của con tàu, giá trị tàu vốn đã bằng 0 do tàu đã bị chìm).

Theo đó, trong trường hợp tất cả nạn nhân đều khởi kiện (tổng 2.228 đơn kiện từ gia đình của 1.517 người chết và 711 may mắn sống sót), thì số tiền mỗi bên nguyên đơn nhận sẽ là 41 USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm