Thời kinh tế, có chút đất ngay trung tâm là miếng đất vàng tại sao không kinh doanh? Dầu cho ai đó đã từng nói rằng 81 Trần Quốc Thảo là mảnh đất nơi tụ họp gặp nhau của văn nghệ sĩ nhưng bây giờ thỉnh thoảng cũng gặp nhau nhưng phải theo yêu cầu hành chính hơn là niềm ước muốn tự thân. Những khối bê tông của tường. Cái trong suốt hào nhoáng của kiếng. Cái lạnh lùng của những nền gạch bóng… dường như đã xô đẩy những văn nhân, nghệ sĩ ra khỏi nơi tụ họp thường xuyên của họ.
Nhớ ngày nào xưa kia, nơi đây có một sân cỏ rộng để thỉnh thoảng hội nhà văn, âm nhạc tổ chức liên hoan tất niên rôm trời. Dù thời đó cái ăn, cái mặc và cả cái… nhậu cũng rất là bia kèm mồi. Rồi thời sân khấu ca nhạc “bùng nổ” thì cái sân trước của ngôi biệt thự kiểu Pháp trở thành sân khấu để Hồng Vân, Lan Ngọc, Cẩm Vân, Nguyễn Chánh Tín, Bích Trâm, Thanh Lan, Đình Huấn, Sỹ Thanh… cất cao giọng ca của mình. Khán giả ngồi trên nền cỏ, mát rượi, vừa xem hát vừa nhìn trời thật là cảm khái.
Tòa nhà mới hiện đại nhưng lạnh lùng dường như đã xô đẩy những văn nhân, nghệ sĩ ra khỏi nơi tụ họp thường xuyên của họ.
Buổi sáng dưới gốc những cây đa là cái quán cà phê cóc, lộ thiên nơi mà kịch tác gia Lê Duy Hạnh ngồi với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đôi lúc có cả nhóc tì Quang Dũng ngồi “kèm” cha. Thỉnh thoảng có người đến tìm nhà văn Sơn Nam không gặp bèn gửi lại vài dòng tin nhắn cho chủ quán cà phê vì đây là “hộp thơ” của nhà văn Nam Bộ lang thang, dạo chơi khắp chốn bằng đôi chân đi bộ của mình. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu với gương mặt đầy râu ngồi vấn từng điếu thuốc rê được người thân gửi về từ Pháp, nhỏ bằng ngón út để nói về bài hát viết cho người con nhỏ “Ba mẹ là lá chắn, che suốt cuộc đời con. Vì con là con ba, vì con là con mẹ…”. Diệp Minh Tuyền, người ốm nhom, ốm nhách, khi cười khoe luôn hàm răng giả hứng khởi khoe bài nhạc vừa mới viết “Ngày mai anh lên đường, ngày mai anh ra chiến trường… giã biệt người em yêu dấu…”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường đến trễ bằng chiếc PC màu cam độc nhất trong sân của 81. Ai muốn tìm nhạc sĩ tài hoa này thường nhìn vào hàng xe đậu trước văn phòng hội âm nhạc và thi thoảng thấy ông đang ngồi nói chuyện triết học cùng nhạc sĩ đất An Giang Hoàng Hiệp…
Từ buổi trưa đến buổi tối thì thật là khỏi nói. Vui và văn nghệ hết cỡ. Giờ này là quán nhậu bình dân mở cửa cho đến tối. Vào quán này có thể thấy nhiều gương mặt nổi đình nổi đám ngày ấy. Đây là nơi tụ họp văn nghệ sĩ không cần mệnh lệnh hành chính hay thư mời. Chỉ cần bạn văn ới một tiếng là có mặt ngay. Mà không cần ới nhau họ vẫn biết đến căn tin 81, nói tắt là 81 là sẽ gặp ngay người họ cần gặp và cả người mà họ chán không muốn gặp. Đến để uống vài chai bia, để tâm tình, trao đổi tư tưởng, kinh nghiệm và những dự định sáng tác hay giao bài cho nhà báo, giao bản thảo cho NXB. Không nơi đâu tiện lợi cho văn nhân, vui và đầy những góc cạnh văn nghệ của những năm khó khăn trong đổi mới.
Gốc cây đa là nơi Từ Huy và Nguyễn Văn Hiên hay ngồi ăn đậu hủ chiên, mắm tôm. Từ gốc cây đa nhìn bao quát có thể tìm được nhiều gương mặt thân quen có tên, có tuổi trong làng văn chương, âm nhạc Sài Gòn. Nhà thơ Phan Vũ ngồi trầm ngâm trong góc, miệng ngậm píp viết lia viết lịa trong cơn ngẫu hứng. Bùi Chí Vinh thì đọc thơ hào sảng, nhà thơ Trần Từ Duy, thời còn khốn khó, tay cầm cái bịch đựng “hàn nàm” heo, tay cầm ly bia ta thán “giang hồ bây giờ đã vô hàng”. Cùng đi xe đạp có nhạc sĩ Châu Kỳ, khi uống say thường bỏ quên xe đạp. Phải công nhận mỗi văn nghệ sĩ là một tính cách, tâm tính rất dễ được bộc lộ trong khi say. Một “đại ca” không nhớ tên - chỉ cần sau khi vào ba ve là đọc thơ văng đầy quán. Một nhà phê bình, khi xỉn bắt đầu ngồi diễn thuyết hàng giờ về sứ mạng văn học nhờ bia. Đôi lúc cũng có máu (mũi) đổ vì “thụi” nhau khi chữ nghĩa không còn khả năng thuyết phục đối phương. Nhưng một chút sau lại cụng ly “hòa nhé”.
Bây giờ, muốn vào hội nhà văn thì phải đi vào chiếc cổng phụ, phải gửi xe và đi vòng qua một quán cà phê máy lạnh sang trọng mới đến được cái gọi là hội của mình. Nhà văn nghèo cảm thấy lạc lõng. Những người ngồi trong quán cà phê này không phải giới của họ. Tìm đâu nữa một nơi rất là tình thương mến thương cho nhà văn ngồi với nhau không trịnh trọng, không quần áo hiệu, mùi nước hoa nức mũi? Tìm đâu nữa bóng cây đa có những người ngồi dưới đã đi xa…
Ôi, một thời căn tin 81 - một nơi thay mặt hội nhà văn tạo chỗ ngồi cho giới chữ nghĩa thành phố gặp nhau, đâu chốn quay về?