Rồi sau một thời gian, tác giả ngậm ngùi “… bóng dáng các cô bán cốm Bình Định vắng dần trên đường phố, không nhiều bằng mấy năm trước vì ngày càng bán ế. Chưa bao giờ như bây giờ (1995) ở Sài Gòn, kẹo, bánh (hàng nội và cả hàng ngoại) nhiều vô số kể, lại có bao bì sặc sỡ, trông sang trọng, đương tràn ngập các quán, các tiệm. Rồi các cô Bình Định sẽ sống ra sao? Ở lại chốn đô hội này thì khó du nhập, khó thích nghi. Mà về ngoài đó thì…”.
Sài Gòn không chỉ là nơi nhập cư cho những con dân người Việt tứ xứ mà còn là nơi đất lành chim đậu cho những A Tỷ, A Muối như chú Sồi và những thế hệ nối tiếp sinh sau nảy nở. Chú Sồi (tiếng Việt là Tài) từ một quán cà phê “thất nghiệp” nhỏ, rồi bán quán ăn “khôn ngoan , kín đáo”. Ông dẫn người đọc vào ăn sáng tại tiệm của chú Sồi cách đây hơn 50 năm, hồi tưởng cái không khí của mùi cà phê vợt, nghe được những tiếng gọi “phảnh mình - mì hủ tíu”, “phé nại - bạc xỉu” nghèo nàn của một tiệm nước tiêu biểu của người Tàu lập nghiệp ở Sài Gòn Chợ Lớn. Vậy mà sau này, khi tác giả trở lại xóm cũ thì được biết “Chú Sồi đã bán nhà, dọn vô Chợ Lớn, đường Nguyễn Tri Phương, bên trong một khu cư xá sang trọng vừa cất. Mấy đứa con ở nước ngoài về mua cho cha một căn hộ có lầu. Còn mở thêm phía ngoài đường một siêu thị hiện đại rất lộng lẫy. Cái nghề buôn bán lâu đời làm như đã gài sẵn mã di truyền trong máu họ rồi…”.
Sau cùng, để kết thúc bài viết này, tôi xin mời bạn đọc theo tác giả vào nơi tụ họp của một số người thuộc loại văn nghệ sĩ để bia bọt, trao đổi công việc. Căn tin ngoài trời của Hội Văn nghệ tại số 81 Trần Quốc Thảo được gọi trống lốc 81. Nói thế là các bạn văn, thơ đủ hiểu. “Tám mươi mốt: tụ điểm bia hơi. Đưa cay: trứng cút, đậu phộng rang… Nhà văn, nhà thơ chen vai cùng nhà đạo diễn, nhà biên kịch, nhà phê bình văn học… Tuổi tác khoảng trên 25-26 đến quá 70... Sài Gòn thiếu gì những tụ điểm bia, rầm rộ sang trọng, cuốn hút và kỳ ảo hơn nhiều”.
Viết đến đây tôi lại nhớ… đến 81. Quả như nhà văn dự đoán, 81 đã nhường lại chỗ cho một quán cà phê nhà hàng khang trang, sang trọng chỉ dành cho doanh nhân và người trẻ sành điệu. Các nhà văn, nhà thơ đã tan tác khắp mọi nẻo quán trên đường đời văn nghệ… Hội Văn nghệ đã xây dựng thật là hoành (bánh) tráng nhưng chỉ còn địa điểm cứng ngắc bê tông và đôi chút của một nhà giàu mới nổi, hơn là dành cho bọn nhà văn có chỗ để gặp nhau yêu thương, ấm áp. Nỗi nhớ về 81 của nhà văn đã đi trước… thời đại.
Và không chỉ 81, những địa danh, vùng đất… mà nhà văn Minh Hương đã nhớ khi còn sống cách đây 20 năm đã có nhiều thay đổi theo tháng năm, những phố, những vườn, những xóm của Minh Hương, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc đã mất đi ít nhiều. Ngay cả nếp sống, một số mặt về cuộc sống tinh thần không còn như ngày xưa khi dần dần lớp người đi trước đã nhường lại cuộc đời cho những thế hệ kế tiếp, khi khoa học kỹ thuật đã thống trị đời sống và mọi thứ gần như được mã hóa. Nhưng nói gì thì nói, may mà hồn cốt, ký ức về mảnh đất Sài Gòn của Sài Gòn vẫn còn để lại trongNhững bước chân lang thang trên hè phố của gã BìnhNguyên Lộc, Nhớ Sài Gòn của Minh Hương… khi còn ở với Sài Gòn! Xin vô cùng cám ơn.