Ngày 15-8, hãng tin Reuters đưa tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận một trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở Thụy Điển do biến thể virus Clade Ib gây ra. Đây cũng là trường hợp đầu tiên liên quan biến thể mới của bệnh đậu mùa khỉ được chẩn đoán bên ngoài châu Phi.
Theo Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển, bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ nói trên đã có thời gian lưu trú tại một khu vực ở châu Phi - nơi đang bùng phát bệnh đậu mùa khỉ do biến thể Clade Ib gây ra.
Ông Magnus Gisslén - nhà dịch tễ học tại Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển - cho biết bệnh nhân đã nhận được chăm sóc y tế và các biện pháp dịch tễ khác.
Cơ quan này cũng cho biết "Thụy Điển đã sẵn sàng chẩn đoán, cách ly và điều trị những người mắc bệnh đậu mùa khỉ một cách an toàn".
"Việc một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ được điều trị trong nước không ảnh hưởng đến nguy cơ đối với người dân nói chung và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) hiện đánh giá nguy cơ này là rất thấp" - Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển cho biết.
TS Brian Ferguson của ĐH Cambridge (Anh) cho rằng trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Thụy Điển là đáng lo ngại nhưng không có gì ngạc nhiên, do mức độ nghiêm trọng và sự lây lan của đợt bùng phát mới ở châu Phi.
“Có thể sẽ có nhiều trường hợp nhiễm bệnh hơn ở đây và ở những nơi khác trên thế giới vì hiện tại không có cơ chế nào để ngăn chặn việc nhập cảnh đối với các trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Ferguson.
Trước đó, WHO hôm 14-8 tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi là Tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng toàn cầu (PHEIC). PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO, sau khi các ca bệnh ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã lan sang các nước lân cận.