Đấu thầu không phải là 'cây đũa thần' hạ nhiệt giá vàng SJC

(PLO)- Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường chỉ là giải pháp mang tính chất cấp bách, không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ thực hiện ngay việc tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới. Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, NHNN tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

Tiếp đó, ngày 15-4, NHNN cho biết đã hoàn tất khâu chuẩn bị đấu thầu vàng miếng, nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC. Như vậy, sau 11 năm, cơ quan này quay trở lại tổ chức đấu thầu vàng miếng.

Báo Pháp luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), chuyên gia kinh tế - về vấn đề này.

vàng
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính):

Đấu thầu chỉ là giải pháp trước mắt

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về chủ trương chuẩn đấu thầu vàng của NHNN, nhằm tăng nguồn cung ra thị trường để bình ổn giá vàng?

+PGS. TS Ngô Trí Long: Trước tiên, chúng ta phải nhìn về nguyên nhân khiến giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch quá mức như hiện nay (khoảng 14 triệu đồng/lượng). Nguyên nhân đầu tiên, theo tôi, là dự báo tình hình địa chính trị bất ổn, kinh tế thế giới vẫn còn chưa khởi sắc, lạm phát ngày càng gia tăng..., khiến vàng trở thành “hầm trú ẩn” tốt nhất. Không chỉ người dân Việt Nam mà người dân thế giới, các ngân hàng trung ương thế giới cũng đổ xô đi mua vàng.

Hơn nữa, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác tại Việt Nam chưa ổn định, rủi ro cao, ví như bất động sản chưa khởi sắc, chứng khoán bập bềnh… thì tâm lý mua vàng để tìm lợi nhuận của người dân càng tăng, khiến cầu càng lớn và kéo giãn sự chênh lệch giữa cung và cầu. Khi cung và cầu mất cân đối như vậy, chắc chắn sẽ khiến giá vàng tăng lên.

Nguyên nhân quan trọng nữa, theo tôi là do hiện nay Việt Nam chỉ có một thương hiệu vàng độc quyền, trong khi đó lại không nhập khẩu vàng nên nguồn cung không thể tăng. Trong khi nhu cầu người dân thì lại tăng theo hằng ngày, chính vì vậy, mỗi ngày giá vàng lại có một giá.

Để giải quyết vấn đề này, theo tôi thấy giải pháp dĩ nhiên là phải tăng cung từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia, bởi không ai có thể tiết giảm được nhu cầu mua vàng của người dân. Và minh chứng rõ nhất là sau động thái của NHNN về việc tổ chức đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường thì giá vàng đã giảm 1 triệu đồng/lượng.

Chúng ta cũng biết, đây không phải lần đầu tiên NHNN tổ chức đấu thầu vàng, trước đó, năm 2013, chúng ta đã có 76 phiên đấu thầu. Việc này đã giúp áp lực mất cân đối cung cầu giảm đi, từ đó, giá vàng đã hạ nhiệt.

. Vậy theo ông, liệu việc đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường có phải là một giải pháp mang tính lâu dài?

+Việc tăng cung thông qua đấu thầu vàng của NHNN sẽ tiến hành đến khi nào cân bằng để giảm thiểu mất cân đối cung - cầu, lúc đó giá vàng trong nước sẽ tiệm cận giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, theo tôi, cách tăng cung vàng vật chất để đảm bảo cân đối cung - cầu, kéo giảm chênh lệch giá vàng Việt Nam với giá vàng thế giới chỉ là giải pháp nhất thời, mang tính chất tình thế ngắn hạn, giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt.

Với giải pháp này trong trung và dài hạn, chắc chắn việc đấu thầu vàng sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế, ngoài ra, còn có thể gây nên nhiều hệ lụy khác.

Bởi hiện nay chúng ta không biết nhu cầu vàng mà người dân cần là bao nhiêu. Thứ hai, nếu NHNN cứ tiếp tục tung vàng ra thị trường như vậy vô hình chung sẽ khiến người dân đổ xô đi mua vàng để đầu cơ.

Chưa hết, theo dự báo của thế giới, xu hướng giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên đến 3000 USD/ounce. Vì thế người dân sẽ có tâm lý là càng mua sớm bao nhiêu thì càng có nhiều cơ hội đầu cơ kiếm lời bấy nhiêu.

Như vậy, nếu tiếp tục tung vàng vật chất ra thị trường sẽ là hình thức khuyến khích, tiếp tay cho người dân đầu cơ vào vàng và có thể sẽ xảy ra tình trạng "vàng hoá” nền kinh tế và đây không phải vấn đề tích cực cho nền kinh tế.

Song song với đó, khi NHNN tung vàng ra thị trường bằng hình thức đấu thầu thì buộc phải sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà hiện nay quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia chỉ còn khoảng 70 - 80 tỷ USD. Do đó, nếu tiếp tục biện pháp này trong dài hạn thì quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ dần suy giảm, từ đó, ảnh hưởng tới vấn đề an ninh tiền tệ quốc gia. Đây là vấn đề hết sức quan trọng với một đất nước.

vang-linh 3.jpg
Hiện nay không biết được nhu cầu vàng mà người dân cần là bao nhiêu. ẢNH: THÙY LINH

Phải triển khai đồng bộ các giải pháp mới hiệu quả

. Như ông nói, việc đấu thầu vàng chỉ có giải pháp mang tính cấp bách. Vậy theo ông, đâu là giải pháp bình ổn thị trường vàng mang tính chất lâu dài?

+ Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, NHNN và các cơ quan liên quan phải triển khai đồng bộ giải pháp, phải sửa Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và thay đổi tư duy quản lý vàng.

Bên cạnh đó, khi Việt Nam chúng ta đã hội nhập với thế giới thì chúng ta không chỉ nên chú trọng đến vàng vật chất mà chúng ta cần chú trọng đến vàng “tài khoản”, vàng “kỳ hạn”. Nghĩa là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh...) trên một trung tâm giao dịch tập trung.

Cần sớm cho phép sở giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng (căn cứ theo đặc tả hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn vàng do sở giao dịch hàng hóa ban hành).

Nhà đầu tư không cần cầm vàng đến hoặc mang vàng về mỗi lần giao dịch mà có thể ký gửi lại các trung tâm lưu ký (chính là hệ thống ngân hàng thương mại), sẽ tiện lợi, nhanh chóng, bớt rủi ro hơn phương thức mua - bán vàng truyền thống.

Giá mua - bán được ghi trên số tài khoản vàng của khách hàng, họ có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên hay xuống. Điều này giúp không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân.

Nhà đầu tư được giao dịch một cách minh bạch, công khai như sàn giao dịch chứng khoán, sở hàng hoá... Có như vậy, giá vàng trong nước mới giảm bớt áp lực vàng vật chất, tạo đòn bẩy cho hoạt động thị trường vàng trở về đúng với bản chất, cơ chế, quy luật của thị trường.

Hơn hết, bản thân Việt Nam đang theo cơ chế thị trường và đang hy vọng thế giới nhìn nhận chúng ta theo cơ chế thị trường. Vậy thì tất cả các thị trường, trong đó có thị trường vàng phải theo đúng quy luật đó.

. Với giải pháp đấu thấu vàng từ quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia của Ngân hàng Nhà nước, theo ông, giá vàng có thể trở về mức giá 70 triệu đồng/lượng hay không?

+Chắc chắn sau cuộc đấu thầu vàng sắp tới của NHNN, giá vàng sẽ chưa thể trở về “đáy” nhanh như vậy được. Tuy nhiên, giá vàng sẽ hạ nhiệt một chút, nhưng xuống đến mức bao nhiêu còn tuỳ vào thị trường.

Rất khó để dự báo về giá vàng sau cuộc đấu thầu bởi như mọi người cũng thấy, mới chỉ có tin Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu vàng mà giá vàng đã giảm 1 triệu đồng/lượng rồi. Nhưng sau đó giảm bao nhiêu thì rất khó để biết.

Để thị trường giá vàng trong nước tiến sát hơn với giá vàng thế giới không chỉ có một biện pháp này mà cần rất nhiều biện pháp tổng hoà, hỗ trợ nhau. Còn việc đấu thầu vàng chỉ là giải pháp ngắn hạn mang tính chất cấp bách hiện nay, nhưng không thể kéo dài.

Tuy rằng chúng ta đã có kinh nghiệm 11 năm về trước về việc đấu thầu vàng, nhưng tôi cũng lưu ý rằng trong lần đấu thầu này, NHNN cần tính toán cẩn thận về phương thức, cũng như khối lượng đấu thầu vàng miếng sao cho phù hợp với tình hình thị trường hiện nay.

Để từ đó, đảm bảo không ảnh hưởng đến tỉ giá, dự trữ ngoại hối quốc gia, tránh xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, đẩy giá vàng lên cao, sẽ đi ngược lại mục đích ban đầu.

Xin cảm ơn ông!

vang-linh 1.jpg

Không chỉ người dân Việt Nam mà người dân thế giới, các ngân hàng trung ương thế giới cũng có xu hướng đi mua vàng. ẢNH: THÙY LINH

Bán vàng sẽ giúp giá USD hạ nhiệt?

NHNN sẽ tổ chức đấu thầu vàng miếng để thu hẹp chênh lệch giá vàng như chỉ đạo của Thủ tướng. Theo thông tin ban đầu, NHNN vàng đấu thầu là vàng miếng SJC. Lúc này thị trường chưa rõ NHNN sẽ tung ra bao nhiêu lượng vàng miếng. Tuy nhiên cứ giả định NHNN sẽ thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng tương tự năm 2023, với mỗi phiên là 15.000 lượng vàng. Cả năm 2013, NHNN đã tung ra 1.145.000 lượng vàng.

Giả định NHNN bán tương đương tổng lượng vàng trên ra thị trường với mức giá ngang với giá vàng nhẫn, vốn có độ chênh thấp hơn giá vàng thế giới không nhiều và khối lượng này đều được các đơn vị kinh doanh vàng hấp thụ hết.

Với giá vàng nhẫn hiện là 76,70 triệu đồng/lượng, thì NHNN sẽ hút về gần 88.000 tỉ đồng. Điều này sẽ giúp tỉ giá USD/VND hạ nhiệt.

Còn nhớ vào tháng 9-2023, khi tỉ giá căng thẳng, NHNN cũng đã hút về gần 250.000 tỉ đồng giúp ổn định tỉ giá, đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, dù tỉ giá còn chịu nhiều áp lực nhưng sẽ hạ nhiệt cuối quý II-2024, nhờ vào việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ lãi suất. Tính chung cả năm 2024 dự báo tỉ giá chỉ tăng trong khoảng 2,5-3%.

Theo Dragon Capital, về dài hạn, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn đang theo chiều hướng nới lỏng, với ưu tiên là giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp để phục hồi kinh tế.

Trên thị trường thế giới, Fed được dự báo đang tiến rất gần đến quyết định cắt giảm lãi suất trong nửa sau năm nay và xu hướng chính sách tiền tệ Nhật Bản thắt chặt trở lại sau nhiều năm có thể làm đồng USD yếu đi.

Điều này sẽ gỡ bỏ được áp lực đối với tỉ giá USD/VND và giúp Việt Nam có dư địa để tiếp tục duy trình chính sách tiền tệ nới lỏng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm