ĐB Nguyễn Tri Thức: Tổng mức phụ cấp cho 1 ca mổ hạng đặc biệt chỉ 1,48 triệu đồng

(PLO)- Dẫn chứng tổng mức phụ cấp cho một ca mổ hạng đặc biệt kéo dài từ 6-8 tiếng là 1,48 triệu đồng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đề nghị tính toán, tăng mức này cho nhân viên y tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 26-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Vấn đề lương, phụ cấp được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm thảo luận.

Phụ cấp một ca mổ đặc biệt chỉ 1,48 triệu

ĐB Nguyễn Tri Thức (đoàn TP.HCM), Thứ trưởng Bộ Y tế, đề xuất điều chỉnh phụ cấp đối với nhân viên y tế. “Cái gì cũng phải có chính sách thỏa đáng với công sức lao động của kỹ sư, thầy giáo hay nhân viên y tế… đã bỏ ra” - ông nói.

Ông Thức cho rằng các khoản phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn thực hiện theo Quyết định 73/2011, đến nay đã 13 năm nên rất lạc hậu. Chẳng hạn phụ cấp trực 24/24 giờ là 115.000 đồng/người, hỗ trợ tiền ăn 15.000/người đối với bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt.

“Mức này quá thấp cho một ca mổ rất khó ở một bệnh viện hạng đặc biệt” - ông Thức nói và cho hay tổng mức phụ cấp cho một ca mổ hạng đặc biệt kéo dài từ 6-8 tiếng là 1.480.000 đồng.

ĐB Nguyễn Tri Thức: Tổng mức phụ cấp cho 1 ca mổ hạng đặc biệt chỉ 1,48 triệu đồng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nói cần điều chỉnh mức phụ cấp cho nhân viên y tế. Ảnh: QH

“Ca ghép thận hay phẫu thuật tim đòi hỏi kỹ thuật rất cao, bác sỹ phẫu thuật chính, bác sỹ gây mê chính được bồi dưỡng 280.000 đồng; hai bác sỹ phụ mổ, kỹ thuật viên gây mê 200.000 đồng; điều dưỡng giúp việc 120.000 đồng” - ông Thức nói và mong Chính phủ chỉ đạo để ngành y tế trình dự thảo nghị định điều chỉnh mức phụ cấp nói trên cho nhân viên y tế.

Còn ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) thì đề nghị cần thực sự trả lời câu hỏi chế độ đãi ngộ cho ngành giáo dục, y tế có gì khác hay không.

Theo bà, nghề nào cũng cao qúy nhưng ngành y tế, giáo dục có đặc thù. Chúng ta theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các ngành khác cũng không chờ đến những chính sách cứu vãn của nhà nước, phụ cấp mà họ phải tự lo nhưng họ có sản phẩm.

"Riêng đối với hai ngành giáo dục và y tế nếu để tự lo thì giáo dục sẽ ăn trên học sinh và y tế ăn trên người bệnh. Nói thẳng là như vậy nên chúng ta không thể để tự lo một cách vô tổ chức được. Thời gian qua đã có những hệ lụy được báo chí phản ánh. Rất đau xót” - ĐB Phong Lan nói.

Nói thêm, bà Lan cho rằng cá nhân mỗi người phải chịu trách nhiệm về những lệch lạc, sai phạm của mình. "Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng không cần giúp vì với đãi ngộ bây giờ trong ngành giáo dục, thầy cô đã giàu lắm rồi, đi xe hơi vào trường. Thứ nhất, đi xe hơi không đánh giá được giàu hay nghèo. Thứ hai, đó chỉ là thiểu số” - nữ ĐB nhấn mạnh.

Theo ĐB Phong Lan, để sống được bằng lương là cần thiết, nhất là với giáo dục và y tế. Người làm lâu năm thì còn đỡ chứ người trẻ mới ra trường thì có nhiều thứ phải lo. “Chúng ta tranh luận hoài nhưng thử hỏi từ đó đã tăng được đồng nào chưa?” - ĐB đặt câu hỏi và cho rằng y tế, giáo dục phải có chính sách lương và tuyển dụng riêng.

Không tăng trợ cấp an sinh xã hội thấy… ngường ngượng

Trước đó, sáng 26-10, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nói ông chỉ ủng hộ một phần dự kiến của Chính phủ là năm 2025 không không tăng lương khu vực công và lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công.

“Năm nay mình đã điều chỉnh tiền lương, thấy khá hơn một chút rồi, cũng tốt rồi nhưng cần lưu ý đến tiền lương khu vực giáo dục, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa và lương, phụ cấp của đội ngũ y, bác sỹ. Tôi thấy giá của các ca mổ quá thấp nhưng quan trọng hơn là lương hưu thấp lắm” - ông Ngân nói và đề nghị Chính phủ xem xét tăng lương hưu.

Đồng thời, ông Ngân cũng đề nghị tăng trợ cấp an sinh xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công. “Năm 2025 nếu không tăng cái này thì thấy có cái gì đó ngượng ngượng, vì năm 2025 là năm của các sự kiện, những ngày lễ lớn của dân tộc. Năm tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập đảng, 85 năm ngày thành lập nước và 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Những sự kiện lớn lắm” - ông Ngân nói.

Theo ông, nếu 2025 không tăng trợ cấp ưu đãi người có công, tăng lương hưu thì niềm vui sẽ giảm. Tăng như vậy sẽ tăng tiêu dùng.

Ông Ngân cũng đề xuất tiếp tục giảm thuế vì như thuế thu nhập cá nhân nếu khấu trừ người nộp thuế là 11 triệu đồng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng thì không bảo đảm cuộc sống ở các TP lớn. “Phải tăng mức khấu trừ này thì thu nhập còn lại mới tăng được tiêu dùng, khi đó sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng” - ông Ngân kiến nghị.

Năm 2025 có thể xem xét điều chỉnh lương cho giáo viên, cán bộ y tế

Liên quan chính sách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thanh Trà thừa nhận thực tiễn vẫn còn bất cập và Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trên tinh thần Kết luận 83/2024.

Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát một số đối tượng bất cập trên thực tiễn, như nhân viên hành chính sự nghiệp, giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và nhân viên y tế.

qh-pham-thi-thanh-tra-thumb.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói sẽ rà soát tổng thể để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp với nghị quyết Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị. Ảnh: QH

"Chúng tôi sẽ rà soát một cách tổng thể để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp theo tinh thần nghị quyết của Trung ương, nhất là kết luận của Bộ Chính trị đã ban hành. Làm sao đảm bảo với những đối tượng mang tính đặc thù cần có sự quan tâm, ưu tiên hơn, đảm bảo được đời sống của họ một cách tốt hơn" - vẫn lời Bộ trưởng Nội vụ.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết năm 2025 có thể tạm thời dừng lại và sau đó, chỉ điều chỉnh với một số đối tượng ở trên. Còn sang năm 2026, chúng ta sẽ tiếp tục có điều chỉnh để nâng cao đời sống người hưởng lương trong khu vực công nhằm đảm bảo tương đồng với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới"- bà Trà thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm