Vướng mắc nhiều nhất được đề cập tại buổi làm việc liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, đặc biệt là các quy định về quản lý, kinh doanh rượu.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay các hiệp hội DN kiến nghị xem xét bãi bỏ quy định cấm bán rượu trên internet tại Nghị định 105/2017 của CP về kinh doanh rượu, cũng như quy định tại Điều 20 của dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã được trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2018.
Theo các hiệp hội DN, việc cho phép bán rượu trên internet giúp cho việc kiểm soát tiêu thụ rượu trên thị trường tốt hơn, hạn chế người chưa đủ tuổi, giáo dục và cung cấp các thông tin về sản phẩm và ngăn chặn việc kinh doanh các sản phẩm bất hợp pháp và tăng ngân sách.
Mặc khác, nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore… đều cho phép bán rượu trên internet.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết ý kiến của Hiệp hội trùng với ý kiến của Eurocham, nếu cho phép bán trên internet thì dễ kiểm soát hơn. Tuy nhiên hiện nay, việc kiểm soát bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng trên mạng điện tử đang rất khó khăn. Kiểm soát thương mại điện tử đang còn bất cập cả về văn bản pháp quy và chế tài.
“Nếu Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia mà bỏ điều khoản này trong dự thảo thì sẽ sửa Nghị định 105. Chúng tôi cho rằng vẫn phải tiếp tục xây dựng chương trình kiểm soát bán rượu trên internet để kiểm soát được thực sự”- ông An nói và cho rằng tên người bán, tuổi của người mua đều là ảo, không có gì chứng minh người/tổ chức đăng ký trên mạng là thật, đó là bất cập và cần có chính sách kiểm soát.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Tổ công tác ghi nhận ý kiến của Hiệp hội và sẽ tham gia theo hướng làm sao thuận lợi nhưng vẫn quản lý được, không đặt vấn đề “không quản lý được thì cấm”.