Đề xuất nâng mức hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển lên 75%

(PLO)- Để tăng tính lan tỏa của Quỹ hỗ trợ đầu tư khi được áp dụng, VCCI đề xuất nâng mức hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cho doanh nghiệp FDI lên tới 75%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản trả lời Bộ KH&ĐT về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư.

Nâng mức hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển lên 75%

Theo đó, VCCI đề nghị nâng mức hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của DN ở mức cao hơn, có thể lên tới 75%.

Trong Dự thảo, mức hỗ trợ tối đa đang được đề xuất là đến 50%. Theo VCCI, hỗ trợ chi phí ở mức cao sẽ khuyến khích các DN cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu trong nước, từ đó nâng cao năng lực cho các đơn vị này, lan toả đến sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, VCCI đề nghị cân nhắc việc bổ sung thêm tiêu chí về quốc tịch của lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển nhằm khuyến khích việc tuyển dụng nghiên cứu viên, nhà khoa học Việt Nam thực hiện hoạt động R&D tại các DN.

Liên quan đến nội dung hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc phân loại mức hỗ trợ theo loại tài sản là động sản hay bất động sản. Nếu DN đầu tư tài sản cố định là bất động sản (công trình gắn liền với đất) thì mức hỗ trợ có thể cao hơn trường hợp tài sản cố định là động sản (như máy móc, thiết bị).

Chính sách như vậy sẽ khiến các DN có thêm động lực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thay vì chuyển sản xuất sang nước khác”, VCCI bày tỏ.

hỗ trợ
VCCI đề xuất nâng mức hỗ trợ R&D cho doanh nghiệp FDI lên tới 75%. Ảnh: T.D

Hiện tại, Dự thảo quy định về việc hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định với tỷ lệ hỗ trợ cao nhất là 40%. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, tài sản này, gồm cả động sản và bất động sản, vẫn thuộc sở hữu của DN. Điều kiện để được hỗ trợ là DN phải cam kết tài sản đó được sử dụng cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao ít nhất 3 năm.

VCCI cũng đề nghị bổ sung nhà ở dành cho công nhân, người lao động vào diện công trình được hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng. Điều 19 của Dự thảo đang quy định mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư hạ tầng xã hội, gồm các khoản chi phí trực tiếp đầu tư các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình hạ tầng xã hội khác phục vụ cho dự án đầu tư.

Làm rõ các điều kiện được hỗ trợ, quy trình hỗ trợ

Liên quan đến điều kiện hỗ trợ, VCCI đề nghị quy định này theo hướng xác định rõ điều kiện. Vì VCCI băn khoăn không rõ cách hiểu với nội dung mà Dự thảo đưa ra, đó là “doanh nghiệp hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, đất đai và các quy định khác của pháp luật”.

Một mặt, VCCI đặt câu hỏi “các quy định khác của pháp luật” được hiểu thế nào. Mặt khác, VCCI lo ngại yêu cầu DN phải hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì mới được hỗ trợ thì có thể là điều bất khả thi.

Thứ nhất, nhiều vi phạm của DN rất nhỏ và không liên quan đến việc được hỗ trợ. Ví dụ, DN chậm làm thủ tục đăng ký khuyến mại tại một tỉnh nào đó cũng có thể sẽ được coi là lý do để không được hưởng hỗ trợ.

Thứ hai, cơ quan thẩm định điều kiện được hỗ trợ cũng không đủ thời gian, nguồn lực và chuyên môn để chắc chắn rằng DN tuân thủ mọi quy định của pháp luật trước khi chấp thuận hỗ trợ.

Do đó, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định này theo hướng xác định rõ các hành vi vi phạm là điều kiện để từ chối hỗ trợ. Và chỉ nên giới hạn ở một số hành vi có liên quan đến pháp luật về hỗ trợ đầu tư hoặc các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực khác.

Cùng với đó, VCCI đề nghị quy định rõ quy trình hỗ trợ để nhà nhà đầu tư tính toán các phương án, bao gồm cả tình huống không được hỗ trợ, để có kế hoạch đầu tư phù hợp.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế Nhà nước cam kết hỗ trợ đầu tư cho toàn bộ thời gian hoặc một số năm xác định trước của dự án, không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách từng năm hay việc xin hỗ trợ của các doanh nghiệp khác”, VCCI đề nghị.

VCCI cũng nhận định, việc cam kết trước này sẽ đẩy rủi ro về phía Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước có thể cân đối lại bằng cách giảm mức hỗ trợ, đặc biệt là các chi phí như tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất và chi phí vốn vay. Có thể mức hỗ trợ thấp nhưng chắc chắn và dự đoán được sẽ có tác dụng thu hút đầu tư tốt hơn so với mức hỗ trợ cao nhưng không dự đoán được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm