Di sản của Tổng thống Obama

Đài phát thanh Europe1 (Pháp) ghi nhận các chuyên gia đều nhất trí vị tổng thống đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2009 này là một trong những tổng thống Mỹ đáng tin cậy. Nếu viết về Obama, các sách lịch sử nên ghi tiêu đề: “Barack Obama, 2008-2016, một tổng thống vĩ đại” vì những điều sau đây:

• Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên: Đây chính là hình ảnh biểu tượng của một đất nước vốn mang tiếng phân biệt chủng tộc. Obama đắc cử là sự kiện chứng tỏ cho các cộng đồng thiểu số ở Mỹ rằng mọi việc đều có thể. Dù vậy, người da đen đừng trông mong cuộc sống sẽ thay đổi hay cảnh sát sẽ bạo hành với người gốc Phi ít hơn bởi Obama không phải làm tổng thống cho riêng người da đen.

• Tổng thống có uy tín lớn: Obama đã thực hiện chức trách với tính chất nhã nhặn, nghiêm túc và đúng mực. Ông được tôn trọng vì trong bão tố ông vẫn bình tĩnh. Đáng chú ý là các bài phát biểu của ông tại Berlin năm 2013 (kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn Chiến tranh lạnh) và tại Selma (bang Alabama) năm 2015 (kêu gọi bình đẳng chủng tộc).

• Tổng thống của đổi mới: Obama đắc cử năm 2008 là bằng chứng có đổi mới trong hệ thống chính trị Mỹ và thể hiện khát vọng chính trị bùng nổ sau thời kỳ bất an của George W. Bush. Cầm quyền năm 47 tuổi, Obama là người tương đối mới làm chính trị, chỉ mới giữ một nhiệm kỳ nghị sĩ và cũng không phải nhân vật sáng giá nhất của đảng Dân chủ.

• Tổng thống của ObamaCare: Tổng thống Obama đã rất vất vả để Quốc hội thông qua được chương trình cải cách lịch sử về bảo hiểm y tế (ObamaCare) để hàng triệu người nghèo được hưởng trợ cấp y tế. Ông cũng đã cố cải cách hệ thống ngân hàng và nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế, chủ yếu là hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô. Năm 2016, tỉ lệ thất nghiệp là 5%, thấp hơn hai lần so với giai đoạn khủng hoảng cao điểm năm 2009.

• Tổng thống chưa đủ thực dụng: Tổng thống Obama ra đi để lại sau lưng một đất nước với nhiều rạn nứt sâu sắc. Ông đã thất bại về cải cách nhập cư, kiểm soát súng, khí hậu. Nguyên nhân một phần do đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Quốc hội từ năm 2010 đã cản trở và phần khác do cá tính của ông. Ông không phải là nhà đàm phán giỏi. Chuyện bỏ ra ba tiếng trên sân golf với một nghị sĩ Hạ viện để tìm kiếm thỏa thuận nào đó là chuyện xa lạ đối với ông.

• Tổng thống với đối ngoại hạn chế: Bin Laden bị tiêu diệt và thỏa thuận về hạt nhân với Iran là điểm cộng trong nhiệm kỳ của Obama. Thế nhưng Mỹ càng gần cựu thù Iran thì càng rời xa các đồng minh khu vực như Saudi Arabia. Tại Syria, Obama có vẻ do dự nên Nga có cơ hội can thiệp. Thật ra ông muốn can thiệp mạnh hơn cũng khó bởi dư luận Mỹ phản đối. Trong tranh cử ông cũng đã hứa sẽ kết thúc chiến tranh ở những nơi Tổng thống Bush phát động.

Tại châu Á, Obama đã tái lập quan hệ đối thoại với Trung Quốc nhưng ông bị chỉ trích đã không đủ thành công để đối đầu cứng rắn với Bắc Kinh. Thêm nữa, dư luận Mỹ ngày càng phản đối các hiệp định tự do mậu dịch như TPP vì lo ngại mất việc làm.

Nói tóm lại, cho dù nhiệm kỳ của Tổng thống Obama còn nhiều khiếm khuyết và kết quả đạt được không như mong đợi, sắp tới nước Mỹ vẫn sẽ thiếu những tổng thống tầm cỡ như Obama.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.