Theo tờ The New York Times, làm thế nào để đối phó hiệu quả nhất với dịch COVID-19 là chủ đề nóng nhất trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu đảng Dân chủ hôm 16-3 (giờ Việt Nam). Cụ thể, cuộc tranh luận kéo dài 2 giờ giữa cựu phó tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ Bernie Sanders bao trùm hàng loạt chủ đề đối nội, đối ngoại nhưng tranh luận về giải pháp ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch vẫn là vấn đề thường xuyên được nhắc đến.
Cơ hội mới cho phe Dân chủ
Được biết cuộc tranh luận trên diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp tại Mỹ và chính quyền Tổng thống Trump đang chịu nhiều sức ép lớn. Đảng Dân chủ, giới chức y tế và người dân liên tục chỉ trích ông Trump về tốc độ tiến hành xét nghiệm cũng như những phản ứng không kịp thời đối với bệnh dịch.
Để giải quyết tình trạng bế tắc hiện tại, cựu phó tổng thống Joe Biden khẳng định cần huy động quân đội và tăng thêm gói cứu trợ, đồng thời xây dựng lại vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong cuộc chiến chống dịch. “Thế giới và nước Mỹ cần hiểu rằng chúng ta cần phải có một gói cứu trợ lớn. Đây là thời điểm các nước cần sát cánh và hỗ trợ lẫn nhau” - ông Biden nhấn mạnh.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Bernie Sanders ưu tiên phát huy vai trò của hệ thống y tế, khuyến nghị thực hiện chương trình bảo hiểm sức khỏe toàn dân nhằm cung cấp gói điều trị miễn phí cho người dân, đồng thời ưu tiên hợp tác với các nước để đối phó với dịch bệnh. Theo ứng viên này, điều Washington cần nhất bây giờ là gạt bỏ hiềm khích trong quá khứ và hợp tác với Trung Quốc vì nước này có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa COVID-19.
The New York Times bình luận COVID-19 đã đem lại cơ hội vô giá cho các ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới. Trước khi dịch bệnh bùng phát, phe này bị đánh giá là hoàn toàn lâm vào thế bị động trước ông Trump khi hàng chục người tham gia ứng cử nhưng không ai đưa ra được một thông điệp nào mới mẻ hoặc ít nhất là đủ sức cạnh tranh với các thành tựu kinh tế vượt trội của ông Trump.
Hai ứng viên Tổng thống Mỹ Bernie Sanders (trái) và Joe Biden trong buổi tranh luận trực tiếp ngày 25-2 tại bang Nam Carolina. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, dịch bệnh sẽ là một bài toán thực tế để các ứng viên Dân chủ làm lại từ đầu, điều chỉnh lại chiến dịch tranh cử và thể hiện khả năng lãnh đạo trước một xã hội Mỹ đang hoảng loạn. So với ông Trump phải hành động cụ thể vì đang cầm quyền, hai người kia chỉ cần đưa ra ý tưởng giải pháp. Họ chỉ cần thuyết phục cử tri Mỹ tin vào tính khả thi và hiệu ứng thực tế của những ý tưởng đối phó với dịch bệnh của họ.
Trong khi đó, ông Donald Trump lại phải có được kết quả cụ thể mà cử tri Mỹ có thể định tính và định lượng hóa được ở chỗ: Các biện pháp chính sách của ông Donald Trump và cộng sự có đẩy lùi được sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh hay không, có chấm dứt được dịch bệnh hay không và lại còn đạt được cả hai kết quả này nhanh chóng hay chậm trễ trong thời gian tới.
“Trong xử lý khủng hoảng quốc gia, nhà lãnh đạo có nhiều lợi thế đặc biệt nhưng nếu không xử lý được khủng hoảng thì tai hại không còn gì bằng. Thất bại ngay lúc này chẳng khác gì giúp cho đối thủ chính trị của ông Trump ghi một bàn thắng không thể gỡ” - The New York Times nhấn mạnh.
Tính đến 20 giờ ngày 16-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 6.644 người tử vong vì COVID-19, 169.913 ca nhiễm. Đại dịch hiện đã lan ra 158 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 76.831 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị thành công. |
Họa vô đơn chí - ông Trump bị giáng đòn mạnh
Cách đây hơn một tháng, mọi chuyện vẫn còn tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dịch bệnh COVID-19 lúc đó còn được xem là một lợi thế bất ngờ giúp Mỹ vượt mặt Trung Quốc. Ông Trump vẫn còn liên tục khoe các kỳ tích về kỷ lục trên thị trường chứng khoán, về tăng trưởng, về tỉ lệ thất nghiệp giảm...
Đến khi dịch bệnh lan rộng ở Mỹ, ông Trump bị đặt vào tình thế đứng ngồi không yên khi nguy cơ toàn bộ công sức xây dựng suốt nhiệm kỳ qua sụp đổ hoàn toàn trong thời gian tới.
Ngay lập tức, ông Trump buộc phải tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp để có những quyết sách nhanh chóng và mạnh mẽ với ưu tiên trước mắt là bảo vệ sức khỏe người dân Mỹ dù một số ý kiến vẫn nghi ngại rằng động cơ của ông Trump thực chất nhằm cứu vớt nền kinh tế.
Một thăm dò của ĐH Quinnipiac thực hiện trước tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump cho thấy đến nay 43% dân Mỹ khẳng định vẫn hài lòng về cách lãnh đạo của tổng thống nhưng có đến 49% không thấy được thuyết phục rằng các biện pháp mà ông đưa ra sẽ giúp đẩy lùi dịch bệnh.
Trong một bài bình luận cho tờ The Washington Post, phó giám đốc Ngân hàng đầu tư Citigroup nhận định khả năng ông Trump tái cử trong nhiệm kỳ tới phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng lèo lái để vực dậy kinh tế Mỹ kịp thời bên cạnh chống dịch hiệu quả. “Khả năng lãnh đạo công tác chống dịch lần này của chính quyền ông Trump có ảnh hưởng quyết định đến tỉ lệ ủng hộ của cử tri” - bà Wolff nhấn mạnh.
Hiện kinh tế của cường quốc hàng đầu thế giới đã có một số dấu hiệu khởi sắc nhất định sau hàng loạt động thái hỗ trợ quyết liệt từ giới chức Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 15-3 đã bất ngờ cắt giảm lãi suất tiêu chuẩn xuống mức gần bằng 0, động thái chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Fed cũng công bố kế hoạch mua 700 tỉ USD trái phiếu chính phủ nhằm bình ổn các thị trường tài chính. Dù vậy, để kinh tế tăng trưởng trở lại cho kịp kỳ bầu cử vào tháng 11 năm nay sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho chính quyền ông Trump.
Hạ dự báo mức tăng trưởng Mỹ do dịch COVID-19 Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs Group Inc (Mỹ) ngày 15-3 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong sáu tháng đầu năm 2020 sau những ảnh hưởng kinh tế của dịch COVID-19, theo hãng tin Bloomberg. Cụ thể, Goldman Sachs cho biết dự đoán tăng trưởng GDP của Mỹ ở mức 0% trong quý I-2020, so với mức dự đoán ban đầu là tăng 0,7%. Còn trong quý II-2020, Goldman Sachs ước tính GDP của Mỹ sẽ giảm 5%, so với mức dự báo ban đầu là tăng 0%. Ngoài ra, ngân hàng này cũng cảnh báo hoạt động kinh tế Mỹ sẽ giảm mạnh trong phần còn lại của tháng 3 và cả tháng 4 do quan ngại về dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm các chi tiêu cho du lịch, giải trí và ăn uống. Dù vậy, Goldman Sachs vẫn lạc quan kinh tế Mỹ sẽ quay lại đà tăng trưởng, lên mức 4% trong quý IV-2020, so với mức ước tính tăng 2,25% đưa ra ban đầu và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn vào đầu năm 2021. |