Ngày 26-3, tin từ UBND huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã điều tàu tuần tra đặc chủng ra vùng biển Tuy Phong để kiểm tra, truy bắt những đội tàu giã cào bay khai thác ven bờ tận diệt thủy sản.
Người dân phản đối nạn giã cào bay đang hủy diệt nguồn sinh nhai của mình.
Trước đó, hôm 24-3, hàng trăm người dân, trên tay cầm biểu ngữ phản đối nạn giã cào bay, đã đi bộ, đi xe máy tuần hành qua các con phố ở thị trấn Phan Rí Cửa. Những người tham gia tuần hành đều là lao động biển và cho biết nạn giã cào bay đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản khiến việc mưu sinh của ngư dân ven bờ ngày càng khó khăn.
Sau đó, chính quyền địa phương đã mời những người dân này về trụ sở đối thoại.
Theo người dân, những tàu giã cào đều có công suất lớn, tốc độ cao và chỉ được cấp phép đánh bắt ở ngoài khơi và ở một số vùng biển nhất định. Tuy nhiên, nhiều tàu giã cào bay đã bất chấp quy định, ép sát bờ, dùng lưới có mắt rất nhỏ để đánh bắt, “vơ vét” tận thu triệt để các nguồn lợi thủy sản. Thậm chí còn làm hư hỏng ngư lưới cụ, ghe thuyền nhỏ của ngư dân mưu sinh ven bờ.
Tỉnh Bình Thuận đã liên tục triển khai và có những biện pháp quyết liệt với những đội tàu này, thế nhưng việc lén lút đánh bắt, tận diệt nguồn lợi thủy sản vẫn xảy ra.
Trước đó, tỉnh Bình Thuận từng có công văn gửi Bộ NN&PTNT ”kêu cứu” liên quan đến hoạt động của các đội tàu công suất lớn hành nghề giã cào bay, tận diệt thủy sản.
Theo đó, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT sớm thực hiện trên cả nước việc cấm đóng mới phát triển tàu cá hành nghề lưới kéo (giã cào bay). Không cho phép đóng mới phát triển tàu cá hành nghề lưới kéo (bao gồm cả nghề lưới kéo đơn và nghề kéo đôi); chỉ cho phép đóng mới thay thế nhằm giữ nguyên cường lực khai thác và dần kéo giảm nghề lưới kéo.
Tỉnh cũng đề nghị cấm nghề lưới kéo đôi công suất lớn hơn 150 CV hoạt động khai thác thủy sản từ ngày 1-4 đến ngày 31-7 hằng năm vì đây là mùa sinh sản của các loài hải sản; dễ gây xung đột nghề nghiệp, làm mất an ninh trên biển. Các địa phương trong cả nước cần quy định những khu vực cấm tuyệt đối với nghề lưới kéo nhằm từng bước xây dựng các khu vực phục hồi sinh thái cho vùng biển ven bờ; tạo môi trường phục hồi nguồn lợi thủy sản tại các địa phương.
Ngoài ra, Bình Thuận cũng mong muốn Bộ NN&PTNT sớm có phương án thống nhất trong hoạt động kiểm ngư trên toàn quốc nhằm nâng cao hiệu quả, tạo sự thống nhất trong công tác quản lý hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển từ trung ương đến địa phương, góp phần quản lý tốt hơn hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trên biển. Cạnh đó, đề xuất với Chính phủ hỗ trợ kinh phí đóng tàu kiểm ngư có công suất lớn cho các tỉnh ven biển, đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra, kiểm soát.
Được biết UBND tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận về việc này. Tỉnh Bình Thuận đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận kiến nghị Quốc hội và các cơ quan trung ương sớm sửa đổi và ban hành Luật Thủy sản, trong đó xây dựng chế định về kiểm ngư để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.