HĐND TP.HCM vừa thông qua nghị quyết về việc thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP, trong đó có giải pháp thu phí ô tô vào trung tâm.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện
Theo Sở GTVT TP, việc thông qua nghị quyết là tiền đề để sở triển khai các bước tiếp theo để hoàn thiện từng đề án nhỏ trong nghị quyết trên.
“Thu phí ô tô vào trung tâm là một trong những giải pháp để kiểm soát phương tiện cá nhân và sau khi HĐND TP thông qua nghị quyết trên thì chúng tôi mới tiến hành hoàn thiện từng đề án nhỏ trong đó” - ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ vận tải Sở GTVT TP, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 12-7.
Cụ thể, ông Hải cho biết sau khi nghị quyết được thông qua sẽ còn rất nhiều việc phải làm như hoàn thiện từng đề án nhỏ, tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến các bên liên quan, xây dựng phương án thu phí… rồi mới trình lại cho cơ quan chức năng. Như nghị quyết tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP vừa qua, chúng tôi đã xây dựng từ nhiều năm nay, giờ mới được thông qua” - ông Hải nói.
Trong tờ trình gửi HĐND TP trước đó, Sở GTVT cũng cho rằng riêng các giải pháp hành chính và giải pháp kinh tế cần được kết hợp hài hòa và triển khai đồng bộ trong việc kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân (trong đó có ô tô con, mô tô và xe máy 2-3 bánh).
Đồng thời, sở cũng cho rằng để các giải pháp phát triển giao thông công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP được triển khai thành công thì cần được sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân TP.
“Nếu không tính tới bài toán hạn chế xe cá nhân thì năm năm tới tình hình giao thông tại TP sẽ cực kỳ khó khăn. Trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân thì quan điểm hạn chế xe cá nhân là quan trọng. Sau khi đề án được thông qua thì thu phí vào nội đô là một trong những giải pháp phải làm ngay” - ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề cuộc họp HĐND vừa qua.
Sơ đồ dự kiến các khu vực đặt 34 trạm thu phí tạo thành vành đai khép kín trung tâm TP.HCM. Đồ họa: HỒ TRANG
Xây 34 trạm thu phí
Riêng với giải pháp ô tô vào trung tâm TP, tháng 7 năm ngoái, Sở GTVT đã xây dựng phương án cho vấn đề này.
Theo đó, các cổng thu phí (trạm thu phí) sẽ được xây bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10. Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Dự kiến sẽ có 34 cổng thu phí được xây dựng.
Cách này sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm TP và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên kẹt xe. Dự kiến kinh phí là 250 tỉ đồng.
Sở cũng cho biết về lo ngại ùn tắc khi xây dựng các cổng thu phí thì đây là phương án được xây dựng trên cơ sở trạm thu phí không dừng bằng công nghệ ETC như các trạm BOT triển khai, vì thế xe vẫn chạy bình thường, không xảy ra ùn tắc.
Công nghệ sẽ ghi nhận qua thẻ định danh gắn trên mỗi xe, thẻ cũng đang được gắn miễn phí ở các trung tâm đăng kiểm. Kinh nghiệm các nước khác là kết quả đạt được giảm 30%-50% xe đi vào khu trung tâm giờ cao điểm.
Thu phí vào giờ cao điểm 6 giờ-9 giờ và 16 giờ-19 giờ Đề xuất của Sở GTVT TP gửi UBND TP từ tháng 7-2019 về thu phí ô tô vào nội đô là dựa trên nghiên cứu trước đây của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (năm 2009). Theo đó, sẽ thu phí vào giờ cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ. Ô tô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt, ô tô khách là 50.000 đồng. Xe buýt không bị thu phí, giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng)... Toàn bộ tiền thu phí sẽ dành cho quỹ hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng. |