Doanh nghiệp gây ô nhiễm ‘ù lì’ di dời

Ngày 30-7, phiên chất vấn giám đốc Sở TN&MT TP.HCM tại kỳ họp lần thứ 18 HĐND TP.HCM nóng với vấn đề năm doanh nghiệp (DN) nhà nước gây ô nhiễm “ù lì” (lời của Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Đào Anh Kiệt) không chịu di dời.

Còn năm doanh nghiệp “xương xẩu”

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Bích Thủy đề nghị giám đốc Sở TN&MT cho biết đến thời điểm này còn bao nhiêu DN gây ô nhiễm phải di dời, việc xử lý các DN vi phạm không khắc phục tình trạng ô nhiễm kéo dài cụ thể ra sao. Cũng quan tâm đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết bà thấy băn khoăn và lo lắng về các giải pháp di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Bà Hạnh cho rằng TP đã có chủ trương di dời và có giải pháp, lộ trình xử lý dứt điểm cơ sở gây ô nhiễm nhưng đến nay vẫn chưa làm được. “Chúng tôi giám sát và thấy tác hại rất nghiêm trọng, nguy cơ gây cháy nổ rất lớn nhưng chủ cơ sở sản xuất vẫn rất nhởn nhơ trước việc mình gây hậu quả cho người dân. Tôi muốn hỏi các giải pháp tích cực hơn với năm cơ sở DN nhà nước gây ô nhiễm?” - bà Hạnh chất vấn.

Trả lời câu hỏi của các ĐB, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Đào Anh Kiệt cho biết việc di dời tất cả cơ sở gây ô nhiễm vào các KCN ở ngoại thành, HĐND TP có nghị quyết từ năm 2002, sẽ kết thúc công tác di dời năm 2005 với tổng cộng 1.402 cơ sở. Chương trình di dời trước đây do Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) chủ trì nhưng cù cưa kéo dài đến năm 2007 chưa xong nên sau đó chuyển sang Sở TN&MT. Thời điểm chuyển giao còn 141 cơ sở và đến này còn sáu cơ sở gây ô nhiễm. Ông Kiệt khẳng định rằng sáu cơ sở còn lại này là những cơ sở “xương xẩu”.

Sáu cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong danh sách buộc phải di dời gồm: Công ty Nước mắm Việt Hương Hải, Xí nghiệp đóng tàu Bình Triệu, Công ty Dệt may Gia Định - Phong Phú, Công ty Dệt Sài Gòn, Xí nghiệp đóng tàu Petrolimex, Công ty Giấy bao bì Thăng Long. Trong đó, Công ty Giấy bao bì Thăng Long là DN tư nhân, còn lại là DN nhà nước (có vốn nhà nước). Các DN này bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn chưa chịu di dời.

Lý giải về các cơ sở “xương xẩu” chậm di dời này, ông Kiệt cho biết có bốn nguyên nhân. Trong đó nhấn mạnh đến nguyên nhân các DN nhà nước ù lì. “Tại sao ù lì, vì trong sáu cơ sở gây ô nhiễm chỉ có một cơ sở tư nhân, còn lại năm cơ sở nhà nước nên các anh này có tính ỷ lại” - ông Kiệt lý giải. Một nguyên nhân nữa khiến cho việc di dời chậm là vì các cơ sở này “không chốn dung thân” do không thể di dời đến nơi nào được như Công ty Nước mắm Việt Hương Hải. “Ủy ban nhất quyết không cho quy hoạch nước mắm nên DN này không có đường thoát nào nữa, đành xin ù lì ở lại và sản xuất” - ông Kiệt nói. Kể ra những nguyên nhân khách quan nhưng ông Kiệt cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan khi nhận trách nhiệm trước HĐND TP về việc thiếu cương quyết trong xử lý. Ông Kiệt cũng hứa sẽ khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.

Về hướng xử lý, ông Kiệt cho biết đối với Công ty Nước mắm Việt Hương Hải sẽ di dời về KCN Lê Minh Xuân 3 nhưng chỉ được chiết rót nước mắm. Đối với Xí nghiệp đóng tàu Petrolimex sẽ chuyển đổi thành trường học, Xí nghiệp đóng tàu Bình Triệu chuyển đổi thành công viên cây xanh. Đối với Công ty Giấy bao bì Thăng Long, hết năm nay sẽ giao đất cho KCN vì công ty này nằm trong KCN. “Tất cả cơ sở này chúng tôi đã có lộ trình, tức đến giữa năm 2016 là phải di dời dứt điểm” - ông Kiệt khẳng định.

Quận 9 “thành cái gì” khi xi măng Hà Tiên dời về?

Một cơ sở gây ô nhiễm cũng được các ĐB rất quan tâm, đó là việc chậm di dời Công ty Xi măng Hà Tiên. ĐB Cao Thanh Bình đề nghị cho biết lộ trình cụ thể di dời Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 ở quận Thủ Đức và quan điểm của giám đốc Sở về việc mở rộng nâng cấp trạm nghiền của công ty xi măng này ở KCN Phú Hữu (quận 9), bởi vì cử tri ở đây đang rất bức xúc.

Trước yêu cầu này, ông Kiệt cho biết Xi măng Hà Tiên gây ô nhiễm đã rõ và bắt buộc phải di dời nhưng việc di dời vẫn phụ thuộc vào quy hoạch tại KCN Phú Hữu. Ông Kiệt cho biết đây là vấn đề liên quan đến nhiều sở nên “xin nợ thời gian để trả lời bằng văn bản”. Tiếp lời, đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho biết đang phối hợp cùng các đơn vị đánh giá tác động môi trường khi Công ty Xi măng Hà Tiên dời về KCN Phú Hữu.

Không bằng lòng với câu trả lời của Giám đốc Đào Anh Kiệt, ĐB Cao Thanh Bình chất vấn lại rằng trả lời như thế chưa làm ông an tâm và không biết chừng nào mới di dời được. “Vấn đề ở đây là quận 9 đang quy hoạch du lịch sinh thái và nếu như Xi măng Hà Tiên di dời về, dù cho khắc phục cỡ nào thì đối với xi măng không thể không ô nhiễm không khí được. Tại văn bản trả lời kiến nghị cử tri, ông Kiệt có trả lời rằng Sở TN&MT đã kiến nghị UBND TP không chấp nhận việc mở rộng nâng công suất đối với Xi măng Hà Tiên tại Phú Hữu, cơ quan chức năng phải lưu ý việc này. Nếu như tăng công suất nữa thì không biết quận 9 quy hoạch du lịch sinh thái sẽ thành cái gì” - ĐB Bình lo ngại.

Lãnh đạo UBND TP.HCM nhận trách nhiệm

Doanh nghiệp gây ô nhiễm ‘ù lì’ di dời ảnh 2
Giải trình thêm về những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém liên quan đến các vấn đề như ngập nước nội thị, trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc để xảy ra nhiều vụ TNGT. “Do ý thức của một bộ phận người dân chấp hành luật giao thông còn thấp, trong đó có trách nhiệm của tài xế xe trọng tải lớn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng chưa thực hiện tốt công tác cấp giấy phép lái xe, kiểm định an toàn chất lượng của các phương tiện” - ông Thuận nói.

Những yếu kém trên, theo ông Thuận có nguyên nhân chủ quan về năng lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp chưa đáp ứng yêu cầu, còn nặng giải quyết tình thế, chưa gắn kết với việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, lâu dài. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; một số cơ chế, chính sách được ban hành nhưng chậm triển khai thực hiện; công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. “UBND TP và cá nhân tôi nghiêm túc tiếp thu, cầu thị những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu để tiếp tục nỗ lực khắc phục những yếu kém, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra” - ông Thuận nói.

Trong sáu tháng còn lại của năm, ông Thuận cho biết chính quyền TP tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường… Về công tác cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh phục vụ nhân dân TP, chính quyền và các sở ngành, địa phương phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân TP được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh trong năm 2015 và tiếp tục nâng chất, phát triển trong giai đoạn 2015-2019 theo ba nhóm giải pháp: đưa mạng lưới cấp nước đến nhà dân, triển khai lắp đặt các bồn chứa nước phục vụ dân và lắp đặt các thiết bị lọc nước tại từng hộ dân. Ông Thuận cũng khẳng định sẽ công khai, minh bạch trong giá nước, lắp bồn và nhất là không có sự độc quyền trong lắp đặt thiết bị lọc nước cho hộ gia đình.

Tiếp tục thu phí xe máy

Tại phiên bế mạc, các đại biểu HĐND TP đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội sáu tháng cuối năm 2015. Để đạt được những chỉ tiêu đề ra, HĐND TP đề nghị UBND TP tập trung nguồn lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội; huy động các nguồn lực tập trung chỉ đạo điều hành, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân TP được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh trong năm 2015; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình đột phá về giảm ngập nước, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường…

Nghị quyết của HĐND TP cũng đề nghị UBND TP tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 31 ngày 30-12-2014 của HĐND TP về tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn TP theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

TÁ LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm