Doanh nhân Việt ngộ ra nhiều điều từ dịch COVID-19

Dịch COVID-19 đã “tàn phá” doanh nghiệp (DN) thế nào? Câu hỏi này phần nào được trả lời trong lễ công bố “Báo cáo tác động của COVID-19 đến DN Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng 12-3. 
Báo cáo nhận định: Đại dịch COVID-19 nhìn chung có tác động rất tiêu cực đến DN tại Việt Nam. 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực. Chỉ 11% DN cho biết không bị ảnh hưởng gì và gần 2% ghi nhận tác động hoàn toàn tích cực hoặc phần lớn tích cực. 

Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch và 
buộc phải thay đổi để thích ứng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong cái khó ló cái khôn
Là DN tham gia lễ công bố, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN Thái Nguyên, khi được hỏi tác động của dịch COVID-19 đã khái quát: “Thiệt hại rất lớn, một số công ty phải tạm dừng, người lao động mất việc”. 
Như công ty chuyên về dệt may của ông, quý I-2020 bị đứt nguồn cung, sang quý II-2020 lại đứt nguồn cầu. Ông kể: “Một số nhà mua hàng hóa dệt may đóng cửa, một số đơn vị do các công ty nước ngoài bị phá sản nên còn không thu được tiền, thiệt hại là rất lớn”. 
Tuy vậy, cũng có những công ty “trong cái khó ló cái khôn”. Bản thân công ty của ông Thời khi thấy nhu cầu khẩu trang là rất lớn và có sẵn vải nano kháng khuẩn, đủ tiêu chuẩn làm khẩu trang. Thế là ông bắt tay vào sản xuất và đề nghị Bộ Y tế đánh giá. Bộ Y tế sau đó xác nhận khẩu trang đạt tiêu chuẩn. 
Sản xuất khẩu trang xong, công ty ông tiếp tục chuyển sang sản xuất các bộ quần áo cho công tác chống dịch. Không chỉ công ty của ông Thời, nhiều đơn vị dệt may khác cũng chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang và các vật tư y tế phù hợp nên vẫn trụ được. 
“Năm 2020, công ty tôi hụt thu chỉ 3% thôi, không ai mất việc làm, thu nhập người lao động cũng tốt. Nhưng ngành dệt may cũng chỉ có một số đơn vị được như vậy thôi” - ông Thời nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, trong phần trình bày báo cáo cũng nhận định: Chỉ một số DN được hưởng lợi trong dịch COVID-19, đó là những đơn vị trong lĩnh vực vật tư, sức khỏe y tế. Nhưng trong mẫu điều tra thì tỉ lệ hưởng lợi là rất ít. 
Tương tự như vậy, trong lĩnh vực thông tin truyền thông, chỉ một số đơn vị được hưởng lợi, đó là các đơn vị chuyên về phần mềm hay các ứng dụng thương mại điện tử. Tuy vậy, ngành chiếu phim lại lỗ nặng vì dịch bệnh phải giãn cách xã hội nên không ai đến rạp xem phim.
Những thiệt hại này có nguyên nhân từ việc dịch COVID-19 khiến cho các nhà kinh doanh không thể tiếp cận khách hàng, ảnh hưởng tới dòng tiền, nhân công. Chuỗi cung ứng của nhiều đơn vị bị gián đoạn. 

Những đề xuất quan trọng tiếp sức cho doanh nghiệp

VCCI đưa ra một số đề nghị hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Cụ thể: Ưu tiên cải thiện năng lực thực thi pháp luật. Các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành.

DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ cần được quan tâm hơn, có thể áp dụng thêm các biện pháp như hỗ trợ tài chính cho các DN duy trì được tỉ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động.

Tạo thuận lợi hơn cho các DN tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch COVID-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới.

Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025. 

Chống chọi kiên cường
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết số lượng DN rút khỏi thị trường “đạt mức kỷ lục vượt ngưỡng 100.000”. Ông Lộc đánh giá số lượng DN rút khỏi thị trường rất nhiều nhưng chính điều đó cũng cho thấy những công ty trụ lại được đã có khả năng chống chịu kiên cường và khả năng này trở thành năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và cộng đồng DN.
“DN cũng đã thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều qua đại dịch. DN phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc; đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa; xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng Việt; đồng thời với việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng” - ông nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI không quên nhắc lại vai trò cổ vũ và sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách như giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. 
Tuy thế, ông cho rằng các giải pháp dài hơi là cần thiết hơn. Chẳng hạn như tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết cũng như chính sách phát triển thị trường và tăng liên kết, hình thành chuỗi cung ứng và tiêu dùng hàng Việt.
“Phần lớn các DN đề nghị cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh” - ông Lộc nói và lưu ý rằng các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận về tài khóa tín dụng có dư địa không nhiều.
Đáng chú ý, “Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đối với DN Việt Nam” nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường kinh doanh để hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các DN. 
Theo đó, cơ quan nhà nước cần tiếp tục đánh giá các quy trình, thủ tục hành chính hiện có trong phạm vi thẩm quyền để tìm cách đơn giản hóa, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi hơn; dừng hoặc giảm tối đa hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành khác. 
Qua đó tránh tối đa những phiền hà, hạn chế hiện tượng nhũng nhiễu và chi trả chi phí không chính thức khi giải quyết thủ tục hành chính. Đây là những giải pháp quan trọng không kém việc cứu các DN gặp khó khăn, bởi sẽ giúp họ có thể tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới. Dịch cũng là cơ hội tốt để tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh của DN.•

 Giải pháp hỗ trợ khu vực phi chính thức 

Doanh nhân Việt ngộ ra nhiều điều từ dịch COVID-19 ảnh 2
 

Ông Jacques Morrisset, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, đánh giá cao các giải pháp về tài khóa của Việt Nam như hoãn, giãn thuế, tiền thuê đất.

Tuy vậy, đối với khu vực phi chính thức, ông Morrisset nói có “khó khăn” vì khu vực này không có quan hệ chính thức với các ngân hàng thương mại. 

 “Chính phủ Việt Nam đang đối mặt với thách thức về việc xác định chủ thể nào bị ảnh hưởng, dù đã có nỗ lực dùng mã số để hỗ trợ. Nhưng khi đã xác định được thì việc giải ngân cũng gặp vấn đề vì không phải chủ thể nào cũng có tài khoản ngân hàng hay dùng ngân hàng số. 

Thế nên sáng kiến sử dụng MobiMoney (tiền di động, dịch vụ thanh toán di động…) có thể giải quyết vấn đề này, tức có thể giúp hỗ trợ được các hộ kinh doanh và cả khu vực phi chính thức” - ông Morrisset khẳng định. 

Tận dụng nguồn vốn dịch chuyển từ các đại gia

Doanh nhân Việt ngộ ra nhiều điều từ dịch COVID-19 ảnh 3
 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng khả năng chống chịu, phản ứng linh hoạt của nền kinh tế qua dịch COVID-19 là một lợi thế. Vị trí địa lý gần Trung Quốc, cùng với lao động rẻ là các lợi thế tiếp theo.

Tâm lý các nhà đầu tư là sẽ lựa chọn những nơi mà chính trị, vĩ mô ổn định, lao động rẻ, phong phú. Bản thân Việt Nam cũng là một thị trường hấp dẫn với gần 100 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu đang gia tăng. 

Vấn đề là phải tận dụng thế nào các dòng đầu tư đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Ông thừa nhận Việt Nam chưa đủ điều kiện tiếp nhận dòng đầu tư cao hơn hoặc phân phối, chủ yếu vẫn đang là lắp ráp, gia công.

“Chúng ta phải thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, bằng cách chuẩn bị về chính sách, mặt bằng, không gian và dịch vụ cho các nhà đầu tư. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị nhân lực, đặc biệt là nhân lực qua đào tạo, công nhân kỹ thuật” - ông Lộc khuyến nghị. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm