Tờ South China Morning Post ngày 11-8 dẫn nguồn tin nội bộ khẳng định phi công và sĩ quan hải quân Trung Quốc đã nhận được chỉ thị không được nổ súng trước và kiềm chế hết mức trong bối cảnh nước này đối đầu căng thẳng với Mỹ ở Biển Đông.
Nguồn tin giải thích giới chức Bắc Kinh đang tiến hành đối thoại tích cực với Washington về các diễn biến ngoài thực địa, do đó không muốn "tạo thêm cớ cho phe diều hâu ở Mỹ làm phức tạp thêm tình hình".
"Bắc Kinh đã ra lệnh cho quân đội Trung Quốc không bao giờ nổ súng trước để bày tỏ thiện chí với Mỹ. Thật ra ra lệnh nổ súng cũng dễ thôi nhưng cả hai bên đều không thể lường trước được hậu quả sau đó. Tình hình hiện tại rất căng thẳng và nguy hiểm" - nguồn tin của South China Morning Post chia sẻ thêm.
Chiến đấu cơ Mỹ đáp xuống boong tàu sân bay USS Ronald Reagan sau khi hoàn thành diễn tập trên không ở Biển Đông vào tháng 7-2020. Ảnh: AP
Người này cũng đề cập đến sự kiện máy bay trinh sát EP-3 Aries II của Mỹ va chạm với tiêm kích J-8 của Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 4-2001 để chứng minh "Trung Quốc hiện tại đã kiềm chế mức nào".
Theo đó, chiếc EP-3 đang trên đường quay về căn cứ đảo Okinawa ở Nhật sau khi hoàn thành nhiệm vụ do thám gần đảo Hải Nam thì bị hai chiếc J-8 chặn đường. Một chiếc J-8 bất ngờ tiến hành áp sát mạn trái của chiếc EP-3 nhưng lại xảy ra va chạm khiến chiếc tiêm kích nổ tung.
Máy bay của Mỹ sau đó phải hạ cánh khẩn cấp xuống Hải Nam, toàn bộ phi hành đoàn bị bắt giữ và thẩm vấn. Mỹ phải gửi thư xin lỗi Trung Quốc để Bắc Kinh thả người.
"Quân đội Trung Quốc hiện nay đã khác xa so với năm 2011. Mỹ sẽ không còn toàn mạng trở về nếu một sự việc như thế xảy ra lần nữa. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ sử dụng sức mạnh đó trong trường hợp bất khả kháng khi mọi thứ không thể cứu vãn nữa" - nguồn tin cho hay.
Trên thực tế, lãnh đạo Mỹ - Trung đã xác lập nhiều cơ chế giải quyết khủng hoảng nếu có xảy ra đụng độ quân sự ở Biển Đông.
Đơn cử, hai nước vào tháng 1-1998 đã ký kết Hiệp định Tư vấn Hải quân (MMCA) nhằm kiến tạo nền tảng đối thoại trực tiếp và kiểm soát những đụng độ trên biển và trên không.
Đến năm 2014, Washington và Bắc Kinh tiếp tục ký kết thêm Bản ghi nhớ về cách hành xử tránh đối đầu quân sự trên biển và trên không, đề ra các hành động và giải pháp cụ thể nhằm xử lý các tình huống đối đầu giữa lực lượng hai bên.
Điểm yếu của các cơ chế nói trên là chúng không được cập nhật các diễn biến mới nhất ngoài thực địa. Bên cạnh đó, từ khi quan hệ Mỹ - Trung xuống cấp những năm gần đây thì lãnh đạo hai bên cũng không có ý định áp dụng các cơ chế này trong giải quyết mâu thuẫn.
Dù vậy, việc Bắc Kinh không muốn nổ súng trước ở Biển Đông phản ánh tâm lý lo ngại ngày càng rõ rệt của giới lãnh đạo nước này trước khả năng nổ ra một cuộc xung đột với Mỹ mà Trung Quốc không nắm chắc phần thắng.
Trong buổi phỏng vấn của tờ Hoàn cầu thời báo ngày 5-8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại với Washington để hạ nhiệt căng thẳng.
“Trong quan hệ quốc tế hiện nay, đối thoại là giải pháp hợp lý để giải quyết các vấn đề và xây dựng lòng tin. Chúng tôi sẵn sàng tái khởi động các cơ chế đối thoại với phía Mỹ ở mọi cấp độ, về bất kỳ vấn đề gì và vào bất kỳ thời điểm nào. Mọi chuyện đều có thể được đưa lên bàn đàm phán” - ông Vương nhấn mạnh.
Trong một bài viết cho hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 9-8, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định hợp tác Mỹ - Trung sẽ đem lại lợi ích cho toàn nhân loại, không chỉ riêng hai nước.
Ngược lại, nếu Mỹ và Trung Quốc đối đầu, đó chắc chắn là một thảm họa cho cả hai bên và thế giới.