Hôm nay, 14-12, tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trì Hội nghị Đối ngoại toàn quốc mà ở đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có phát biểu chỉ đạo. Nhân dịp này, PLO phỏng vấn nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh.
Ông Phạm Quang Vinh chia sẻ: Tinh thần Đại hội XIII cho thấy Đảng nhận định đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển chiến lược mới. Sự nghiệp Đổi mới của chúng ta bắt đầu từ vượt khó, rồi giai đoạn bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, và giờ thì xác định mục tiêu vươn tới thịnh vượng.
Từ góc nhìn hội nhập chính trị quốc tế thì nước ta đã có những bước phát triển cả chiều rộng, chiều sâu với các quan hệ song phương, các tổ chức đa phương toàn cầu và khu vực. Về thương mại, đầu tư ta đã tham gia nhiều hiệp định đa phương, trong đó có những FTA tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA. Cùng với nỗ lực trong, ngoài, Việt Nam đã vươn lên một nền kinh tế quy mô 400 tỷ USD, với thị trường và nguồn lực là gần 100 triệu dân.
Trong bối cảnh ấy, Đại hội XIII yêu cầu đối ngoại cũng phải đổi mới, bắt kịp đổi mới trong nước với khát vọng 2030, 2045. Đối ngoại có nhiệm vụ tạo cho Việt Nam vị thế mới, hội nhập sâu rộng, toàn diện hơn.
.Phóng viên: Tính “chiến lược” của giai đoạn mới này là gì, thưa ông?
+ Ông Phạm Quang Vinh: Là chính khát vọng 2030, 2045 mà dân tộc đang hướng tới. Là bước chuyển của đất nước, của dân tộc trên nền tảng quốc gia được tạo dựng sau hơn 30 năm đổi mới. Và cũng là những thách thức rất lớn ở phía trước...
Nếu trước đây ta chậm một nhịp thì có khi chỉ thua thiệt với các nước cùng trình độ 10 năm. Nhưng ở giai đoạn có tính bước ngoặt toàn cầu này, chẳng hạn chỉ chậm chuyển đổi số là lỗi nhịp vài chục năm ngay…
Bàn cờ lớn thay đổi cả về chính trị, an ninh như vậy mà mình không bắt kịp sẽ lỡ cơ hội rất lớn...
. Với thế giới, với các tay chơi trong bàn cờ lớn ấy, đây có phải là giai đoạn chiến lược?
+ Cục diện thế giới thì đang thay đổi rất mạnh mẽ. Đơn cử, an ninh giờ không còn chỉ là súng ống, mà còn là bình ổn kinh tế, xây dựng tiềm lực, tạo vị thế cho chính mình. Rồi công nghệ số qua đại dịch chứng minh rằng nước nào không bắt kịp thì tụt hậu rất nhanh. Thách thức an ninh phi truyền thống thì rõ nhất là dịch bệnh, rồi biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước… mà mỗi quốc gia không thể tự mình giải quyết được.
Cục diện chính trị quốc tế xoay trục từ xuyên Đại Tây dương giữa Mỹ - châu Âu, sang Ấn Độ dương – Thái Bình dương. Tất cả các quốc gia đều đang quan sát, phân tích để nhận diện lợi ích cho riêng mình. Không thay đổi được cục diện thì phải ứng phó như thế nào có lợi nhất? Họ không thụ động, mà còn chủ động thích ứng, thậm chí tác động, can dự vào quá trình cạnh tranh ấy.
. Việt Nam so với các tay chơi ấy thì yếu mạnh thế nào?
+ Thiên tai, dịch bệnh giúp ta nhìn lại mình, và thế giới đánh giá mình. Vượt qua 2 năm COVID-19, với bão lũ như thế mới thấy tiềm lực quốc gia đã cải thiện hơn trước rất nhiều. Khó khăn như vậy, nhưng cuộc chơi của ta với các nước vẫn vững vàng.
Với nước lớn như Mỹ - Trung, cạnh tranh nhau vậy nhưng Việt Nam vẫn chơi được với cả hai. Với các nước tầm trung, thuộc nhóm đối tác quan trọng với ta cả về chinh trị, an ninh, kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Anh... thì quan hệ vẫn nồng ấm. Ngay khu vực ASEAN này, Việt Nam vẫn được đánh giá là thành viên nòng cốt.
Và trong hoàn cảnh khó khăn của đại dịch như thế này, hoạt động đối ngoại của ta vẫn cam kết thực hiện nghiêm túc các FTA đã ký kết, bao gồm cả các FTA thế hệ mới và còn thúc đẩy các hiệp định thương mại khác nữa.
Nhưng tự nhìn lại cũng thấy bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Chẳng hạn, cạnh tranh Mỹ - Trung từ thời Trump đã mấy năm rồi thúc đẩy chuyển dịch chuỗi cung ưng theo hướng đa dạng hóa lựa chọn, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng Việt Nam dường như vẫn chưa bắt được dòng chảy ấy, chuyển dịch chuỗi cung ứng chất lượng cao vẫn chưa vào nước ta.
Rồi chính sách đối ngoại của ta về cơ bản vẫn là độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy… Độc lập, tự chủ thì rõ rồi, nhưng vế còn lại thì vẫn có lúc lúng túng. Ngay cả quan hệ bạn bè cũng có lúc đụng chạm lợi ích, lúc ấy lấy tiêu chí gì để lên tiếng. Phải chăng là tiêu chí lợi ích quốc gia dân tộc, luật pháp quốc tế?
. Việt Nam đang ở trong khu vực chịu sự cạnh tranh quyết liệt Mỹ - Trung. Mỗi khi đề cập đến vấn đề này, đây đó lại nhấn mạnh Việt Nam “không chọn bên”. Theo ông, có cần nhấn mạnh vậy không, khi mà chính sách chung, tổng quát thì Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế?
+ Tôi không thích dùng ba chữ ấy.
Trong cuộc chơi chung với thế giới mà có mẫu số chung thì cùng có lợi. Còn khi khác biệt thì quản trị cái khác biệt ấy bằng đối thoại, hòa bình để tìm tới cái lợi hài hòa nhất. Nhưng khi anh xâm phạm lợi ích quốc gia của tôi thì làm sao có thể đòi hỏi tôi “không chọn bên”!
Cho nên, chọn hay không chọn bên thì cái chúng ta luôn chọn là lợi ích quốc gia, là luật pháp quốc tế. Đại hội XIII về đối ngoại là nhấn mạnh lợi ích quốc gia, luật pháp quốc tế chứ đâu có ba chữ “không chọn bên” ấy.
Thời chiến tranh lạnh trước đây, trong các văn kiện Đảng thường có cụm tự “phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại”. Sức mạnh thời đại chính là ta phải luôn có bạn bè bên cạnh khi biến cố xảy ra. Bạn bè đấy không phải là chọn bên, mà là những người tôn trọng lợi ích quốc gia của ta, tôn trọng và bảo vệ luật pháp quốc tế.
. Chính sách đối ngoại thời đó có cụm từ địch – ta, sau này thì đổi thành đối tác – đối tượng nghe nhẹ nhàng hơn. Nhưng như vậy đã đủ về bảo quát hết các trạng thái quan hệ quốc tế?
+ Trong những tình huống đặc biệt thì buộc phải phân biệt bạn, thù. Nhưng hòa bình, hội nhập rồi, đến mức cả những nước cựu thù đã công nhận ta hoàn toàn, kể cả khác biệt về thể chế chính trị, thì các mối quan hệ chủ yếu chỉ còn là bạn.
Đối tác, đối tượng chỉ còn dùng khi có khác biệt quá mức về lợi ích, Vậy nên, đã đến lúc cần mở rộng đối tác, thu hẹp đối tượng để ngày càng bình thường hóa các mối quan hệ.
Trong quan hệ quốc tế, càng hợp tác thì càng nhiều điểm đồng nhưng không tránh khỏi những khác biệt. Nhưng không nên vì khác biệt mà đẩy đối tác thành đối tượng. Vấn đề là đôi bên phải quản trị cái khác biệt ấy để đi đến giải pháp hài hòa nhất. Ví dụ, anh đánh thuế tôi, thậm chí gắn mác tôi thao túng tiền tệ, thì cũng chỉ nên coi đó là những khác biệt có thể xảy ra trong quan hệ đối tác để mà cùng nhau giải quyết.
Chỉ nên coi là đối tượng khi đôi bên có những khác biệt không thể thương lượng, chẳng hạn ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đến tồn vong của chế độ. Thu hẹp đối tượng được như thế thì sẽ mở rộng được không gian đối tác để hợp tác, phát triển.
Tôi nhớ là khi đàm phán TPP, tới vấn đề công đoàn độc lập, nội bộ chúng ta cũng bàn để đánh giá xem vấn đề này có thể thương lượng được không, thì cuối cùng đi đến nhận định là không đến mức ảnh hưởng đến tồn vong chế độ. Câu chuyện nghiệp đoàn sau đó được coi là một tiêu chí bình đẳng về lao động. Mình chấp nhận cái này nhưng đổi lại thì tiếp cận được thị trường khoa học công nghệ, các cơ hội lớn về thương mại, đầu tư sẽ mở ra… thì đó cũng chính là lợi ích quốc gia, dân tộc.
. Đối ngoại đã đóng góp rất lớn để Việt Nam có được như ngày nay. Nhưng nhìn nhận thách thức thời gian tới, ông thấy thế nào?
+ Điểm rất mới của Đại hội XIII là yêu cầu đối ngoại phải tiên tiến, hiện đại, tiên phong. Tôi nghĩ hội nghị lần này phải làm rõ được nội hàm. Đối ngoại đi tiên phong tức là phải tập trung tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
Về năng lực, ngoại giao giờ mà không có kiến thức về biến đổi khí hậu, về chuyển đổi số, về năng lượng tái tạo, không biết gì về chuỗi cung ứng… thì không thể nói chuyện với ai cả. Vậy nên, người làm đối ngoại phải dựa vào các bộ ngành. Không chỉ vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải tích cực, chủ động hơn để phối hợp với đối ngoại vì lợi ích của chính mình, ngành mình.
Lấy ví dụ về COP26 vừa rồi, đâu chỉ là về biến đổi khí hậu chung chung, mà là giảm phát thải. Cũng không phải giảm chung chung, mà là sự chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp mới như xe điện, xóa sổ dần động cơ đốt trong, giảm điện than để phát triển năng lượng tái tạo, là kinh tế xanh. COP26 thậm chí thúc đẩy những cơ hội mới về kinh tế, chẳng hạn tiếp cận các nguồn tín dụng xanh, hình thành các tiêu chuẩn thương mại mới thân thiện môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng…
Những câu chuyện cụ thể như thế cho thấy người làm đối ngoại phải hiểu sâu sắc hơn, toàn diện hơn đất nước mình thì mới có thể tìm hiểu, trao đổi, thương lượng với bên ngoài. Có thế mới tiên phong được.
. Xin cảm ơn ông!