Thông báo này không liên quan đến các nhân viên ngoại giao và các nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ chống dịch.
Tại châu Á, cùng ngày, Bộ Y tế Thái Lan thông báo 79 người ở Thái Lan từng qua các nước có dịch Ebola đang chịu giám sát trong 21 ngày. Báo The Nation (Thái Lan) cho biết trong số này chỉ có một công dân Thái Lan. Nepal đã thành lập một tổ chuyên trách y tế ở sân bay quốc tế Tribhuvan tại thủ đô Kathmandu để kiểm tra hành khách.
Rửa tay sau khi cầu nguyện ở Monrovia (Liberia). Ảnh: AP
Tại Hàn Quốc, Bộ Y tế và Phúc lợi thông báo công dân Hàn Quốc nào đang sống ở bốn nước Tây Phi có dịch (Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria) bị nhiễm Ebola muốn về nước điều trị sẽ được chính phủ đưa về. Tại Malaysia, Bộ Y tế cho biết các mạng xã hội tung tin có một ca nhiễm Ebola ở Malaysia là thông tin giả.
Trong khi đó, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép sử dụng các loại thuốc trị Ebola đang trong vòng thử nghiệm, Bộ Y tế Canada thông báo sẽ gửi cho Tây Phi từ 600 đến 1.000 liều vaccine phòng chống Ebola. Canada phát triển vaccine này cách đây vài năm và hiện chỉ có 1.500 liều. Vaccine chưa được thử nghiệm nơi người. Dự kiến muốn sản xuất số lượng lớn vaccine phải mất từ bốn đến sáu tháng.
Ở châu Phi, sau khi Mỹ chấp thuận chuyển cho các nước Tây phi huyết thanh ZMapp điều trị Ebola, văn phòng tổng thống Liberia thông báo thuốc chỉ được dùng cho hai bác sĩ mà thôi. Tại Sierra Leone, Bộ Y tế cho biết đang gửi yêu cầu nhờ Mỹ hỗ trợ huyết thanh Zmapp. Tổng thống Ernest Bai Koroma đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ 18 triệu USD đầu tư cho công tác phòng chống Ebola.
Tại Guinea-Bissau, Thủ tướng Domingos Simoes Pereira thông báo đóng cửa biên giới với Guinea đến khi có lệnh mới. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã đề nghị chính phủ các nước có dịch ở châu Phi không nên hoảng hốt vì vẫn có thể ngăn chặn được virus Ebola. Ông cho biết đã chỉ định bác sĩ David Nabarro người Anh giữ vai trò điều phối của LHQ về dịch Ebola.
THẠCH ANH – TNL