Đồng Tháp: Sắp diễn ra ngày hội Hội quán Đất Sen hồng

(PLO)- Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần thứ I sẽ diễn ra vào ngày 18 và 19-11 tới tại Quảng trường Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh với nhiều hoạt động nổi bật. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-10, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với UB MTTQ Việt Nam tỉnh họp báo thông tin về Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần thứ I năm 2023 được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, có chủ đề “Hội quán Đất Sen hồng – Hành trình đồng hành cùng phát triển”.

Ngày Hội sẽ diễn ra vào 2 ngày (18 và 19-11) tại Quảng trường Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh với nhiều hoạt động nổi bật như: Trưng bày giới thiệu hình ảnh, hiện vật, nông sản, sản phẩm chế biến, sản phẩm OCOP từ các Hội quán; Hội thảo “Phát huy giá trị cộng đồng của Hội quán”; Tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp”; Hội thi “Thủ lĩnh Hội quán Đất Sen Hồng”…

hoi-quan-sen-hong-1.jpg
Họp báo thông tin về Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần thứ I. Ảnh: HD

Ngày hội nhằm nhìn lại chặng đường 7 năm hình thành và phát triển mô hình Hội quán, tổng kết quá trình phát triển của mô hình Hội quán tỉnh Đồng Tháp; tạo điều kiện cho các Hội quán của Đồng Tháp giao lưu, liên kết hợp tác, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh truyền thông các hàng hóa thế mạnh, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường.

hoi-quan-sen-hong.jpg
Ông Lê Thành Công, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội. Ảnh: HD

Hội quán là một mô hình mới, cách làm sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp do ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp) khởi xướng. Đây là một mô hình mở dựa trên hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ “chuyện làng, chuyện xóm” và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Hội quán là trung tâm kết nối cộng đồng, phát huy tính dân chủ, tính tự quản, tinh thần trách nhiệm của những “Thủ lĩnh cộng đồng”, khắc phục tình trạng người dân trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Hội quán được hình thành với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn.

Thông qua mô hình Hội quán đã dần xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể; chuyển dần từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp"; lấy giá trị gia tăng trong từng công đoạn của chuỗi ngành hàng nông sản làm mục tiêu hướng tới; việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp được phát huy bắt đầu từ các Hội quán, Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

ngay-hoi-hoi-quan-chu-tich.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa thăm và đánh giá cao mô hình nuôi lươn thịt và lươn giống của Bình Lý Hội quán (TP Hồng Ngự). Ảnh: BTC

Từ mô hình “Canh Tân Hội quán” đầu tiên ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập vào năm 2016 với 105 hội viên, đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp có 144 Hội quán với 7.556 thành viên, trong đó Ban chủ nhiệm có 706 người. Có 38 Hợp tác xã được thành lập từ mô hình Hội quán.

Từ khi được thành lập, mô hình Hội quán đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Qua hoạt động của Hội quán góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Nội dung hoạt động (11 lĩnh vực) của Hội quán tương đối phong phú và đa dạng, mỗi Hội quán đều gắn với ngành nghề, lĩnh vực cụ thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm