Họp báo tại thủ đô Islamabad (Pakistan) ngày 10-8, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi tuyên bố nước này sẽ phản đối hành động đơn phương của Ấn Độ đối với vùng Kashmir lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), hãng tin AP cho biết.
Ông Qureshi cũng nói Pakistan đang cân nhắc đưa cáo buộc Ấn Độ “diệt chủng” người Kashmir lên Ủy ban Nhân quyền LHQ.
“Khi một thay đổi về nhân khẩu học được thực hiện thông qua vũ lực, đó gọi là diệt chủng…” - ông Qureshi nói với các nhà báo ở Islamabad sau khi trở về từ Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi trong một cuộc họp báo ở thủ đô Islamabad (Pakistan). Ảnh: AP
Trước khi ông Qureshi lên tiếng, Pakistan còn nói đang cân nhắc đưa vụ việc lên cả Tòa Công lý Quốc tế.
Chính phủ Ấn Độ ra quyết định hủy bỏ quy chế đặc biệt của bang Jammu and Kashmir - vốn nằm trong phần lãnh thổ Kashmir, đang được tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Tại cuộc họp báo, ông Qureshi chỉ trích bước đi của Ấn Độ đã đe dọa đến hòa bình khu vực và gia tăng nỗi sợ hãi về nguy cơ đổ máu ở Kashmir. Ông Qureshi cũng nói dù Pakistan không có kế hoạch có bất kỳ hành động quân sự nào nhưng sẵn sàng phản kháng bất kỳ hành động gây hấn nào từ phía Ấn Độ.
Trước cuộc họp báo tại Islamabad, ngày 10-8 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và một số quan chức hàng đầu của Trung Quốc. Theo lời ông Qureshi thì Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ chuyện Pakistan đưa vấn đề Kashmir ra HĐBA LHQ.
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi (trái) gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10-8. Ảnh: THX
Tại thủ đô Islamabad (Pakistan) ngày 9-8, khoảng 8.000 người đã tuần hành đến Đại sứ quán Ấn Độ để lên án hành động của chính phủ Ấn Độ về vấn đề Kashmir.
Giữa tuần trước, Pakistan đã giáng cấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ, trục xuất đại sứ Ấn Độ và ngưng các dịch vụ thương mại, tàu hỏa và xe buýt với Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Ấn Độ một mặt yêu cầu Pakistan xem lại quyết định này, một mặt đề nghị Pakistan chấp nhận thực tế và chấm dứt can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác.
Ngày 9-8, Mỹ lên tiếng rằng nước này không thay đổi gì trong chính sách với Kashmir và Mỹ vẫn tiếp tục xem đây là một lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói Kashmir là một vấn đề quan trọng và Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi chặt diễn biến.
Người dân TP Karachi (Pakistan) biểu tình sau khi chính phủ Ấn Độ hủy bỏ quy chế đặc biệt của bang Jammu and Kashmir. Ảnh: EPA
Bang Jammu and Kashmir ngày 10-8 vẫn trong tình trạng bị phong tỏa. Sau quyết định hủy bỏ quy chế đặc biệt của bang Jammu and Kashmir đầu tuần trước mà Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cho là cần thiết để giải phóng bang này khỏi “khủng bố và ly khai”, chính phủ nước này đã đưa hàng chục ngàn binh sĩ đến bang Jammu này để ngăn ngừa bất ổn và bạo lực.
Lệnh giới nghiêm được nới lỏng một phần tại TP Srinagar, thủ phủ bang Jammu and Kashmir, vào ngày 9-8 để người dân đón lễ hội Hồi giáo Eid al-Adha bắt đầu vào ngày mai (12-8). Tuy nhiên, hàng ngàn người dân vẫn chỉ ở trong nhà, các cửa hàng và cơ sở y tế vẫn đóng cửa. Toàn bộ dịch vụ viễn thông và Internet vẫn bị cắt.
Một cảnh sát bảo vệ an ninh trong biểu tình ở thủ phủ Srinagar thuộc bang Jammu and Kashmir của Ấn Độ ngày 10-8. Ảnh: AFP
Ngày 8-8, Thủ tướng Modi trấn an người dân ở bang Jammu and Kashmir rằng tình hình bình thường sẽ dần trở lại bang này, và rằng chính phủ sẽ đảm bảo các lệnh cấm hiện tại không ảnh hưởng đến lễ hội Hồi giáo Eid al-Adha sắp tới. Sẽ có một số lượng xe tải chở nhu yếu phẩm đến bang Jammu and Kashmir phục vụ lễ hội Hồi giáo Eid al-Adha.
Theo AP, nhiều thập niên nay, nhiều nhóm phiến quân ở bang Jammu and Kashmir vẫn kiên trì chống lại sự cầm quyền của chính phủ Ấn Độ, phần lớn người dân Kashmir ở bang này muốn hoặc được độc lập hoặc được sáp nhập với Pakistan.
Người Hồi giáo Kashmir biểu tình đòi tự do ở TP Srinagar, bang Jammu and Kashmir (Ấn Độ) ngày 9-8. Ảnh: AFP
Trong ngày 10-8, một đảng chính trị từ Kashmir đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Ấn Độ yêu cầu buộc chính phủ nước này thu hồi quyết định hủy bỏ quy chế đặc biệt của bang Jammu and Kashmir, cũng như chia bang này ra hai vùng lãnh thổ thuộc liên bang Ấn Độ.
Ngày 9-8 vẫn xuất hiện biểu tình ở TP Srinagar. Cảnh sát dùng hơi cay giải tán và tạm giữ hơn 500 người biểu tình.
Chuyện nới lỏng lệnh giới nghiêm ở TP Srinagar là tạm thời, AP dẫn thông tin từ một số quan chức Ấn Độ.