Ngày 4-6, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ buôn lậu 91 xe BMW liên quan đến Công ty CP Ô tô Âu châu (Euro Auto), từng là đơn vị phân phối chính hãng xe BMW tại Việt Nam.
Ba bị cáo Nguyễn Đăng Thảo (cựu tổng giám đốc Euro Auto), Nguyễn Thị Minh Yến (cựu trưởng phòng Kế hoạch, quản lý và phân phối sản phẩm Euro Auto) và Trần Hải Đăng (cựu phó giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố về tội buôn lậu, có khung hình phạt 12-20 năm tù.
Theo hồ sơ, các công chức hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 là Phan Thị Hoa, Nguyễn Thí Thức, Khưu Hữu Phước, Nguyễn Thị Thu Hiền, Hoàng Thế Vinh và Nguyễn Văn Thuyên được phân công tiếp nhận và trực tiếp kiểm hóa đối với 91 ô tô do Công ty Euro Auto nhập khẩu từ ngày 19-7 đến 4-9-2013.
Quá trình tiếp nhận, kiểm tra, hồ sơ được thực hiện thủ công nên không phát hiện các hóa đơn, chứng từ do công ty làm giả để khai báo hải quan. Việc kiểm hóa thực tế được làm đúng quy định như: Kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, ngày sản xuất và đối chiếu phù hợp giữa hàng hóa thực tế với hồ sơ hải quan điện tử. Do vậy, CQĐT không đề cập xem xét xử lý.
Bị cáo Nguyễn Đăng Thảo (đeo kính) và Trần Hải Đăng tại tòa. Ảnh: HY
Đối với các cán bộ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, được phân công tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thực tế 91 ô tô do Công ty euro auto nhập khẩu. Tài liệu điều tra thể hiện các cán bộ này đã thực hiện đầy đủ nội dung công việc theo quy trình. Các cán bộ không phát hiện những chứng từ do công ty cung cấp trong hồ sơ được làm giả nên CQĐT không xử lý.
Phần xét hỏi tại tòa, đại diện hải quan cho rằng các công chức hải quan đã làm đúng quy định. Tòa hỏi: “Quy định là quy định nào?”. đại diện này nói quy định liên quan của ngành, của Bộ GTVT. Chủ tọa tiếp tục truy: “Chúng tôi hỏi cụ thể trong 91 xe BMW này thôi?”. Nghe xong, vị này vẫn khẳng định công chức hải quan làm đúng quy định.
Bị cáo Đăng khai các chứng từ, tài liệu để làm thủ tục hải quan nhập khẩu ô tô và đơn giá trên các chi tiết do Yến cung cấp. Đăng thừa nhận đã làm giả toàn bộ invoice (hóa đơn) của Công ty BMW AG phát hành. Bị cáo tự nghĩ và tạo lập ra các giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, đăng ký kiểm tra chất lượng để đưa vào hồ sơ khai báo hải quan, nhập khẩu ô tô BMW cho Công ty Euro Auto.
Bị cáo Thảo khai năm 2013, theo ủy quyền của tổng giám đốc công ty đã ký nhiều hợp đồng nhập khẩu ô tô với Công ty BMW AG, ký hồ sơ khai báo hải quan để nhập khẩu ô tô. Đồng thời, Thảo xác định hóa đơn do Công ty BMW AG phát hành không có chữ ký của đại diện Công ty BMW AG.
Về việc nhập khẩu 91 ô tô đã được điều chỉnh giá năm 2013, Thảo khai sau khi công ty nhận được bản điều chỉnh giá 79 ô tô với tổng số tiền 126.400 EUR, để tránh việc bị thiệt hại trong việc nộp thuế nhập khẩu, công ty đã lập lại hợp đồng mua bán. Mục đích là điều chỉnh giá thấp hơn so với giá của hợp đồng ban đầu và so với invoice do Công ty BMW AG phát hành…
Hôm nay (5-6), tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận.
Vì sao không thu hồi 91 siêu xe? Từ ngày 1-7-2007, Công ty Euro Auto ký hợp đồng làm nhà nhập khẩu với Công ty BMW AG của Cộng hòa Liên bang Đức để làm đại lý nhập khẩu và phân phối chính thức ô tô hiệu BMW, Mini Cooper và Motorrad tại thị trường Việt Nam. Đến tháng 12-2016, Euro Auto ký 473 hợp đồng, nhập khẩu 9.353 ô tô BMW, Mini Cooper và Motorrad với tổng trị giá gần 5.500 tỉ đồng. Để làm thủ tục nhập khẩu, Euro Auto và Công ty Việt Á ký hợp đồng dịch vụ giao nhận. Công ty Việt Á làm dịch vụ khai báo hải quan, thông quan, giao nhận hàng hóa cho Euro Auto. Bị cáo Đăng làm giả 91 hóa đơn có giá trị thấp hơn so với hóa đơn do Tập đoàn BMW AG phát hành và các tài liệu, chứng từ khác, sau đó chuyển cho Yến trình Thảo hoàn thiện hồ sơ khai báo hải quan để nhập khẩu 91 ô tô hiệu BMW. Thảo, Yến và Đăng đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 6,45 tỉ đồng. Dù 91 ô tô trên Euro Auto đã bán cho khách hàng (giá 206,8 tỉ đồng) nhưng khách khi mua xe không biết công ty sử dụng chứng từ giả để nhập khẩu nên cơ quan tố tụng không thu hồi các xe này. |