EU cảnh cáo ông Tập hậu quả tiêu cực từ luật an ninh Hong Kong

Trong ngày 22-6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã lần lượt có cuộc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, theo báo South China Morning Post.

Lãnh đạo hai bên đã thảo luận một số vấn đề liên quan tới đại dịch COVID-19, quan hệ Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc, tình hình ở Hong Kong và một số vấn đề quốc tế khác mà cả hai đã đồng ý đưa vào chương trình thảo luận.

Lãnh đạo châu Âu tập trung vấn đề Hong Kong và thỏa thuận đầu tư

Trong cuộc gặp ông Tập (cùng với sáu thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc), hai nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo về hậu quả "rất tiêu cực" từ việc Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (từ trên xuống dưới, từ trái sang phải). Ảnh: TÂN HOA XÃ

Trong buổi họp báo sau cuộc hội đàm, bà von der Leyen cho rằng "luật an ninh quốc gia có nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng nguyên tắc 'một quốc gia, hai chế độ'" tại Hong Kong.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết bà và ông Michel đã trực tiếp cảnh báo ông Tập về "hậu quả rất tiêu cực" nếu Trung Quốc vẫn theo đuổi kế hoạch ban hành luật cho Hong Kong.

"EU đang liên lạc với các đối tác trong nhóm G7 về vấn đề này và hôm nay, chúng tôi đã gửi đến giới lãnh đạo Trung Quốc lập trường chung rất rõ ràng và kêu gọi (chính quyền Bắc Kinh - PV) xem xét lại" - bà von der Leyen nói.

Trong buổi họp báo, bà von der Leyen đã không trả lời câu hỏi của báo giới về các biện pháp mà EU sẽ thực hiện nếu Bắc Kinh chính thức thông qua luật cho Hong Kong.

Về thỏa thuận đầu tư, bà von der Leyen cho rằng quan hệ thương mại và đầu tư hiện có giữa EU và Trung Quốc là "không cân bằng" và lãnh đạo hai bên "kỳ vọng đẩy nhanh và nâng tầm các cuộc đàm phán - cho đến nay chỉ mới ở cấp độ rất thấp - lên một cấp độ chính trị cao hơn".

Bà von der Leyen kêu gọi các lãnh đạo Trung Quốc cần lưu ý hơn tới các hành động chính trị có thể tác động đến quá trình đàm phán thỏa thuận đầu tư sẽ diễn ra vào "cuối mùa hè này". Hai bên kỳ vọng đạt được hiệp định đầu tư vào cuối năm nay.

Lãnh đạo châu Âu cho rằng hai bên cần gấp rút có những bước đi tiếp theo để hoàn thiện các cam kết này, trong đó phía Trung Quốc cần thể hiện mong muốn rõ ràng hơn về việc sớm ký kết thỏa thuận đầu tư.

Truyền thông Trung Quốc phớt lờ vấn đề Hong Kong

Về phía mình, ông Tập phản đối việc EU coi Trung Quốc là một đối thủ, lên tiếng ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cam kết tiếp tục hợp tác với châu Âu.

Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết ông Tập đã nói rõ với hai lãnh đạo châu Âu rằng Bắc Kinh "muốn hòa bình thay vì bá quyền". 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm trực tuyến với hai lãnh đạo châu Âu ngày 22-6. Ảnh: TÂN HOA XÃ

"Nguyên tắc cơ bản cho tất cả chính sách và hành động của chúng tôi là làm cho người dân Trung Quốc sống một cuộc sống hạnh phúc. Chúng tôi sẽ kiên định theo đuổi con đường phát triển hòa bình" - Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện thuật lại lời ông Tập.

Ông Tập cũng nói với các lãnh đạo EU rằng "Trung Quốc là một đối tác, không phải một đối thủ. Trung Quốc và EU không có những xung đột cơ bản và quy mô hợp tác lớn hơn nhiều so với sự cạnh tranh".

Chủ tịch Trung Quốc cho rằng hai bên "nên tôn trọng nhau, tạo ra những cơ sở chung và chấp nhận sự khác biệt" và nên là hai động lực để phục hồi, phát triển nền kinh tế toàn cầu.

Trong đó, Bắc Kinh "vui mừng khi nhìn thấy EU đang đóp góp cho nền hòa bình và ổn định quốc tế trên tinh thần xây dựng và sẵn sàng tăng cường hợp tác chiến lược với EU để cùng giải quyết các thử thách toàn cầu".

Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc và truyền thông nước này không nêu rõ ông Tập đã nói những gì với lãnh đạo châu Âu về vấn đề Hong Kong.

Luật an ninh quốc gia của Hong Kong đang là vấn đề gây tranh cãi vì những người phản đối lo ngại luật sẽ đe dọa nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" và mức độ tự trị cao của vùng lãnh thổ này.

Chính quyền Bắc Kinh cho rằng luật này chỉ nhắm vào những "kẻ khủng bố" và không ảnh hưởng đến các hoạt động hợp pháp ở Hong Kong.

Truyền thông Trung Quốc cho biết cuối tuần này, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) sẽ hợp khẩn để thảo luận về luật này. Luật có thể được ban hành trong ngày 30-6. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới