Hãng tin Reuters ngày 3-6 dẫn lời Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) - ông Josep Borrell cho rằng không thể thay đổi số thành viên một nền tảng đa phương chủ chốt là nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) liên tục theo ý của nước đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch năm nay là Mỹ.
Tuyên bố này nhằm đáp trả phát ngôn của Tổng thống Donald Trump ngày 30-5 rằng G7 là một tổ chức "lỗi thời", và ông sẽ mời thêm bốn quốc gia là Úc Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ tham gia nhóm G7 mở rộng.
Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell trong một phiên làm việc ở Hội đồng châu Âu hồi tháng 9-2019. Ảnh: AFP
Dự kiến Mỹ sẽ tổ chức một cuộc họp giữa G7 và các nước nói trên sớm nhất là vào tháng 9.
Về khả năng thêm Nga trở lại vào nhóm, ông Borrell cho biết sẽ trì hoãn đề nghị này đến khi nào Moscow "đồng ý thay đổi và có thiện chí kiến tạo môi trường cho đối thoại tích cực trong nhóm".
"Tất cả các thành viên G7 đều chia sẻ chung những giá trị, lợi ích và cam kết cụ thể. Trong thời điểm khó khăn như sự bùng phát của dịch COVID-19 hiện nay, hợp tác giữa các đối tác là việc rất quan trọng", đại diện EU nói thêm.
Ngoài EU, một số quốc gia khác cũng lên tiếng phản đối quyết định thêm Nga vào G7 của ông Trump, theo đài ABC News.
Đơn cử, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hồi ngày 1-7 khẳng định Nga không thể gia nhập G7 vì "Moscow không tôn trọng và liên tục vi phạm luật pháp quốc tế".
Trong khi đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson - ông James Slack cho biết đến nay vẫn chưa thấy "bằng chứng chứng minh Nga đủ khả năng quay trở lại nhóm" dù cam kết sẽ xem qua chi tiết đề xuất của Mỹ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí còn có động thái mạnh mẽ hơn khi tuyên bố không tham gia phiên họp sắp tới nếu có mặt các nước mở rộng.
Hiện Nga chưa đưa ra bình luận chính thức nào về các diễn biến trên.