Tam giác thương mại Trung Quốc-EU-Mỹ: Khó xử!

Trả lời phỏng vấn tờ Süddeutsche Zeitung, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định Trung Quốc (TQ) và Mỹ là hai trong ba “đối thủ” lớn mà châu Âu phải hợp sức để giải quyết những thách thức được đặt ra. Theo bà Merkel, đó là do sự ảnh hưởng kinh tế từ Bắc Kinh và thế độc quyền trong các dịch vụ công nghệ của Washington.

Không những là thách thức, TQ và Mỹ tạo với Liên minh châu Âu (EU) một tam giác mà theo bà Xueying Zhang, nghiên cứu sinh từ ĐH Yale (Mỹ), ví von là tam giác “tình yêu thương mại”. Nhưng trong đó, chính EU và cả TQ lại “không may” lâm vào thế khó xử.

Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là thách thức

EU là đối tác thương mại lớn nhất của TQ và TQ là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, sau Mỹ. TQ chiếm khoảng 1/5 lượng hàng hóa nhập khẩu của EU và hơn 1/10 xuất khẩu của nước này.Từ năm 2015, hơn 50% đầu tư trực tiếp nước ngoài của TQ chảy vào EU cùng với các thỏa thuận sáp nhập và mua lại, bao gồm hãng ô tô Volvo của Thụy Điển. TQ và EU cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các vấn đề về vũ khí hạt nhân, vốn là các thỏa thuận Mỹ đã quay lưng.

Cùng với việc là một đối tác thương mại, TQ cũng là một thách thức đáng kể đối với EU. Đầu tiên, TQ đã xây dựng các kết nối kinh tế với nhiều quốc gia thành viên EU với quy mô và tốc độ chưa từng thấy. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của TQ vào EU đạt mức kỷ lục 41,5 tỉ USD năm 2016, tăng từ 2,3 tỉ USD năm 2010. Thứ hai, một vài quốc gia lo ngại rằng TQ với tầm chính trị quyết đoán của họ có thể là nguyên nhân gây chia rẽ EU. Bắc Kinh được xem là đang “thử” khối liên minh bằng cách cung cấp cho các nước Đông Âu những gói lợi ích kinh tế để đổi lấy tiếng nói ủng hộ của họ trước bạn bè quốc tế.

Theo tờ South China Morning Post, TQ có một chiến lược khá tham vọng ở Đông Âu với các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ TQ - CEEC. Mạng lưới hợp tác giữa TQ và 16 nước Trung và Đông Âu này cùng các chính sách hỗ trợ kinh tế của nó đã trở thành yếu tố quan trọng ở một số nước kém phát triển hơn. Bên cạnh đó, TQ chuẩn bị rót thêm nguồn tài chính vào cảng lớn nhất Đại Tây Dương của Bồ Đào Nha là Sines và có thể tiếp cận cảng của Ý thông qua sáng kiến gây nhiều tranh cãi “Vành đai và Con đường”.

Từ trái sang: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Tổng thống Mỹ Donald Trump,  Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS, AP

Thế khó xử và giải pháp

Châu Âu và TQ cũng đang vướng vào thế khó xử. Washington được cho là tạo ra các vấn đề nan giải cho EU và có thể buộc EU phải lựa chọn hoặc Mỹ hoặc TQ, theo bà Zhang.

Sau khi áp thuế vào thép và nhôm từ khu vực đồng euro, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn dọa những trừng phạt thuế khác liên quan đến khoản trợ cấp của hãng máy bay Airbus. Tuyên bố đưa ra một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh EU-TQ diễn ra.

Đầu năm nay, tờ The New York Times đưa tin Tổng thống Trump đã nhiều lần đặt vấn đề với các quan chức cấp cao của ông hồi năm 2018 về việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bên cạnh đó, ông Trump không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ việc Anh rời EU trong khi chỉ trích mạnh mẽ chính sách tị nạn của bà Merkel.

Nếu Mỹ muốn nói chuyện, chúng tôi luôn mở rộng cửa. Nếu Mỹ muốn chiến tranh, chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng. Trải qua hơn 5.000 năm đầy thách thức, có cuộc chiến nào mà người TQ chúng tôi chưa từng thấy?

KANG HUIChủ tịch Đài Phát thanh, Truyền hình Trung ương Trung Quốc 

Ngày 15-5, Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với thiết bị viễn thông do các công ty có nguy cơ gây ra an ninh quốc gia sản xuất. Đây là một hành động được hiểu rộng rãi nhằm nhắm vào hai công ty là ZTE và Huawei của TQ trong nỗ lực đóng băng những công ty này khỏi thị trường thế hệ mạng di động thứ năm (5G).

Phản ứng của EU với Huawei cho đến nay khác nhau ở nhiều quốc gia thành viên. Mặc dù Ủy ban châu Âu đã đưa khuyến nghị vào tháng 3 về việc bảo mật của 5G, khối liên minh không nêu tên Huawei và cũng không cấm tập đoàn TQ này ở EU.

Theo bà Zhang, để duy trì các động lực phát triển giữa EU và TQ, mối quan hệ hai bên phải được xây dựng trên chủ nghĩa đa phương kèm theo các quy tắc cùng mục tiêu và hướng dẫn cụ thể. Mục đích của một thỏa thuận dựa trên nguyên tắc là để tạo một môi trường thuận lợi hơn cho dòng vốn. Bà Zhang còn khẳng định cả hai khối kinh tế lớn châu Âu và TQ sẽ không thể chấm dứt “hôn nhân” của họ trong các hợp tác thương mại. Họ đang xem xét và bổ sung các nguyên tắc cho một mô hình mới để xây dựng mối quan hệ vững mạnh và ổn định hơn.

Một thỏa thuận phải mang lại kết quả tốt đẹp cho cả hai bên. Vì thế nếu được phát triển dựa trên các nguyên tắc hợp tác, sáng kiến “Vành đai và Con đường” của TQ có thể là nhân tố thiết yếu trong chiến lược kết nối châu Á của châu Âu nhằm thúc đẩy trao đổi hàng hóa, con người và văn hóa với mục tiêu hai bên cùng có lợi, bà Zhang kết luận.

Chiến tranh Trung Quốc - Mỹ: Khi nào mới kết thúc?

Trong buổi khai mạc hội nghị đối thoại về các nền văn minh châu Á tại Bắc Kinh ngày 15-5, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cho biết các “nền văn minh” không nên đụng độ lẫn nhau. Theo ông Tập, không có nền văn minh nào vượt trội hơn, vì thế nếu cho rằng chủng tộc hay nền văn minh của bất kỳ ai có thể thay thế những cái khác là hoàn toàn sai lầm và có thể gây ra những hậu quả “thảm khốc”. Trước đó, trong bài phát biểu với báo chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và TQ không khác gì “một cuộc cãi vã nhỏ”. Hơn nữa, ông khẳng định Mỹ sẽ luôn luôn thắng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm