Hãng tin Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva hôm 31-5 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành thảo luận về việc loại Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).
"Bất kỳ quyết định nào của EU đều phải tuân theo các quy tắc thích hợp. Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định gì, tất nhiên, trước tiên EU sẽ thảo luận về mặt pháp lý của nó" - ông Silva nói tại buổi họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.
Phản hồi trước thông tin của ông Silva, Ngoại trưởng Lavrov tiết lộ việc ngắt Nga khỏi SWIFT như một phần của các lệnh trừng phạt mới nhắm vào nước này đã được đề cập đến trước đó một thời gian.
Tuy nhiên, ông Lavrov không biết chắc các nước phương Tây và chính SWIFT sẽ có những hành động nào liên quan đến vấn đề này, nhấn mạnh thêm rằng chính quyền Moscow đã và đang chuẩn bị sẵn sàng cho động thái trên của EU.
SWIFT được thành lập vào năm 1973 với 239 ngân hàng trên 15 nước tham gia, là một tổ chức cung cấp một mạng lưới cho phép các tổ chức tài chính và ngân hàng trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính trong một môi trường an toàn, tiêu chuẩn và đáng tin cậy.
Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva. Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky tiết lộ Moscow đang đứng trước các mối đe dọa đến từ Mỹ liên quan đến SWIFT.
“Không có gì bí mật khi nói có nhiều mối đe dọa, chủ yếu là từ Mỹ, nhằm ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống SWIFT” - ông Birichevsky nhận định.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 31-5, ông Birichevsky cho biết Nga đang rất quan ngại về việc SWIFT có thể bị cuốn vào “vòng xoáy trừng phạt” mà Washington tạo nên. Tuy nhiên, ông tin rằng Mỹ sẽ không hành động quá sớm, Sputnik đưa tin.
“Tôi thực sự tự tin rằng chúng ta sẽ không bị ngắt kết nối khỏi SWIFT sớm, mà cũng có thể là không bao giờ” - ông Birichevsky nói, thêm rằng Nga dù sao cũng sẽ sớm đạt các thỏa thuận về chi trả với các đối tác thương mại.
“Kể từ năm 2014, Nga đã liên tục làm việc để có được một hệ thống chi trả riêng. Hệ thống này nay đã tồn tại. Các cuộc đàm phán đã diễn ra với nhiều đối tác khác” - ông Birichevsky cho hay.
Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành thảo luận về việc ngắt Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Ảnh: SPUTNIK
Trước đó vào tháng 5, Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga Olga Skorobogatova tuyên bố Nga sẽ không gặp bất kỳ rủi ro nào về việc bị ngắt kết nối khỏi SWIFT.
Chính quyền Moscow đã từng cảnh báo rằng họ coi việc tách Nga ra khỏi SWIFT là “một lời tuyên chiến”. Cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev, hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cũng gọi hành động này là một “cú đấm vào bụng”.
Căng thẳng giữa Nga và châu Âu đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. EU đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014.
Kể từ đó đến nay, cứ mỗi sáu tháng các nhà lãnh đạo EU lại xem xét, đánh giá và gia hạn trừng phạt Nga, theo Sputnik.