Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết: Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều về nguy cơ mất thương hiệu gạo ST25 trên thị trường Hoa Kỳ, do có 5 đơn đăng ký nhãn hiệu, trong đó có ghi yếu tố ST25 trên mẫu nhãn hiệu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đăng ký cho sản phẩm gạo.
Ông Bảy cho biết, liên quan đến chữ ST25, là tên giống lúa khi doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí khi đi đăng ký bảo hộ giống cây trồng đã lấy ST25 là tên giống cây trồng được bảo hộ.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: AH
Theo đó, chiếu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì chữ "ST25", tên giống lúa, khi chủ sở hữu văn bằng bảo hộ hoặc bất kỳ người nào đưa sản phẩm lúa giống đó ra thị trường thì đều phải dùng tên ST25, kể cả sau này hết 20 năm bảo hộ thì bất kỳ ai còn dùng giống lúa đó cũng đều phải gọi nó là giống ST25.
"Lưu ý rằng việc bảo hộ giống lúa đó theo văn bằng bảo hộ do Cục Trồng trọt cấp năm 2020 thì nó chỉ có hiệu lực ở Việt Nam. Bởi vì quyền sở hữu trí tuệ nói chung trong đó có giống cây trồng nói riêng thì đăng ký ở đâu, ở nước nào thì chỉ được bảo hộ ở đó" - ông Bảy nhấn mạnh.
Về nguy cơ mất thương hiệu của sản phẩm gạo, là sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa ST25, ông Bảy cho biết đây là "sản phẩm khác" với sản phẩm lúa giống. Như vậy khi trồng lúa giống ST25 thì ra cánh đồng lúa ST25, thu được thóc ST25 và khi xay xát ra gọi là gạo ST25.
"Khi chúng ta gọi là gạo ST25 thì đó trở thành tên một loại gạo. Trên thị trường có rất nhiều loại gạo khác nhau được thu hoạch từ các giống lúa khác nhau. Ví dụ gạo Bắc Hương được thu hoạch từ giống lúa Bắc Hương, gạo Tám thu hoạch từ lúa Tám...
Vì là tên gọi chung của sản phẩm như vậy nên theo quy định của pháp luật Việt Nam nó cũng không được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền của bất kỳ ai. Bởi vì khi đưa sản phẩm đó ra thị trường thì mọi người đều phải gọi "nó" là "nó", là gạo ST25" - ông Bảy cho biết.
Quay trở lại câu chuyện ở thị trường Hoa Kỳ, ông Bảy cho biết đúng là đã có vài doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu ST25 ở đó. Hiện tất cả các đơn đó đều trong quá trình xử lý.
Tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Văn Bảy cho biết, theo pháp luật về hạt giống và bảo vệ giống, luật về nhãn hiệu của Hoa Kỳ thì họ quy định những tên đối với giống cây trồng sẽ không được đăng ký độc quyền bảo hộ nhãn hiệu. Như vậy sẽ có những ví dụ là có một số nhãn hiệu trong số năm nhãn hiệu các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã nộp ở cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ có nhiều yếu tố khác nhau.
“Ví dụ như đơn đăng ký có nhãn hiệu 90151727 nộp ngày 1-9-2020 của công ty Transworld Foods, Inc (Hoa Kỳ) có mẫu nhãn là “VIETNAM'S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG”. Tháng 11-2020 cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ đã đưa ra một thông báo tạm thời có dự định từ chối, trong đó họ đưa ra nhiều thông tin là nhãn hiệu đó sẽ có yếu tố không được bảo hộ và bị từ chối.
Ví dụ như chữ ST25, họ dẫn chiếu quy định của luật về giống cây trồng và luật nhãn hiệu, họ chỉ ra rằng đó là tên giống cây trồng và sẽ không được bảo hộ thương hiệu" - ông Bảy thông tin.
Quay trở lại câu chuyện liệu ST25 của Việt Nam có bị ảnh hưởng gì ở Hoa Kỳ hay không, ông Bảy cho biết với việc luật pháp của Hoa Kỳ rất rõ ràng, ST25 là giống lúa nên sẽ không được bảo hộ độc quyền riêng cho ai cả.
"Luật pháp Hoa Kỳ quy định rõ như vậy nên cũng có thể vì lý do nào đó mà họ không tra cứu đầy đủ chữ ST25 để hiểu rằng đó là một tên giống lúa để họ từ chối. Các doanh nghiệp có liên quan có thể bị tác động thì có thể cung cấp thông tin để từ chối cấp đăng ký cho đơn đó hoặc nếu đã cấp rồi thì họ khu trú phạm vi bảo hộ lại" - ông Bảy cho biết.