Giá lúa tăng nhưng tiền lãi của nông dân giảm, vì sao?

(PLO)- Nông dân có thể tăng thu nhập nhờ bán tín chỉ carbon, xây dựng gạo an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Video: Giá lúa tăng nhưng tiền lãi của nông dân giảm, vì sao?

"Nhà nông cũng phải làm kinh tế ngay trên mảnh ruộng của mình"- ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh tại Hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài” diễn ra chiều 24-11, tại tỉnh Hậu Giang. Hội thảo do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Khuyến khích đưa ra những mô hình mới

Tham dự trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội, ông Hoan nhận định, nếu thực hiện thành công, thu nhập của người nông dân trồng lúa sẽ khác đi, không chỉ trồng lúa mà người nông dân còn có thể tham gia vào các khâu sản xuất khác của chuỗi như: chế biến, bảo quản, kinh doanh và du lịch.

Bàn giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài 1.jpg
Đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp. Ảnh: CHÂU ANH

“Có những mô hình người nông dân làm kinh tế ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan đã thay đổi tư duy, đã sáng tạo như việc cũng ngay trên đồng lúa đó, nhưng người nông dân đã bán vé cho khách tham quan trải nghiệm. Đây là một cách tiếp cận nông nghiệp, tiếp cận nông thôn khác, tạo ra thu nhập khác thông qua việc tìm kiếm và tạo ra giá trị mới. Đó là tâm nguyện của tôi và cũng là đơn đặt hàng của Bộ NN&PTNT tới Hội thảo” - ông Hoan gợi ý.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các chuyên gia, diễn giả tiếp tục tìm kiếm, tạo ra những sáng kiến mới, mô hình kinh tế nông nghiệp mới cho bà con nông dân thay đổi và thực hiện theo. Đồng thời đưa khuyến cáo của các cơ quan khuyến nông về các mô hình sản xuất, mô hình làm kinh tế nông nghiệp ít thiệt hại, giảm thiểu rủi ro, thất thoát và tăng hiệu suất.

Người nông dân có thể tăng thu nhập nhờ bán tín chỉ carbon

Nói về cơ cấu giá thành sản xuất lúa và giải pháp để nông dân có lãi cao nhất, TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), thông tin hơn 10 năm qua năng suất lúa gần như không đổi, trong khi đó, doanh thu và chi phí tăng kéo theo lãi giảm.

Bàn giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài 3.jpg
Ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng người nông dân có thể tăng thu nhập nhờ bán tín chỉ carbon. Ảnh: CHÂU ANH

Thống kê trong năm 2012, tổng thu của người nông dân là hơn 100 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng. Đến năm 2018, bà con thu hơn 110 triệu đồng/ha/năm, tuy nhiên, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 59 triệu đồng. Ước tính trong năm 2023, tổng thu của người nông dân khoảng 130 triệu đồng/ha/năm, thế nhưng, sau khi trừ chi phí số lãi sẽ thấp hơn so với năm 2018.

Lý giải vì sao giá lúa tăng, nhưng tiền thu về của người nông dân giảm, ông Nhân cho rằng giá lúa tăng không giúp lợi nhuận tăng tương ứng, vì người nông dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Do đó, giá thành tăng và lợi nhuận giảm, hơn nữa chất lượng gạo cũng giảm và đất nhanh bạc màu.

Theo ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ngành lúa gạo Việt Nam hiện còn tồn tại một số hạn chế. Đó là quy mô nông hộ trồng lúa nhỏ, chưa hình thành được chuỗi giá trị hiệu quả; giữa nhà nông dân với nhau còn thiếu sự hợp tác, giữa nông dân và doanh nghiệp còn thiếu liên kết. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng tài nguyên tự nhiên và vật tư có nguồn gốc hoá chất trong sản xuất lúa.

Từ thực tế đó, ông Bổng khuyến cáo để sản xuất có lợi nhuận bà con cần tăng quy mô nông hộ, tập trung, tích tụ đất lúa... Đồng thời, phải liên kết hợp tác. Qua đó, sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng gạo, tăng thu nhập và đóng góp cho an ninh lương thực, xuất khẩu.

Cũng theo ông Bổng, người trồng lúa phải biết kết hợp cơ giới hóa, tự động hóa và công nghệ số. Trong sản xuất lúa giảm phát thải để tạo hình ảnh mới về lúa gạo Việt Nam. Ngoài ra, cần tái sử dụng rơm rạ, sản xuất phân hữu cơ từ rơm...

“Nông dân có thể tăng thu nhập nhờ bán tín chỉ carbon, xây dựng gạo an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng nhãn hiệu về giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu và chất độc hại, như xây dựng nhãn hiệu “Gạo Việt Nam carbon thấp”. Sản xuất gạo chất lượng cao theo thị hiếu thị trường trong nước và xuất khẩu, chất lượng về dinh dưỡng, ngừa bệnh" - ông Bổng gợi ý thêm.

Để giảm chi phí trong sản xuất lúa, ông Bổng khuyến cáo bà con nên áp dụng kỹ thuật thực hành sản xuất tốt như “một phải năm giảm”. Trong đó, một phải là phải sử dụng giống xác nhận; còn năm giảm là giảm lượng giống gieo sạ, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học, lượng nước tưới và thất thoát sau thu hoạch.

Ngoài ra, nên áp dụng máy sạ cụm hay máy sạ hàng, để giảm lượng giống gieo sạ từ mức trung bình hiện nay 150 kg/ha xuống còn 60-80 kg/ha.

Hậu Giang phấn đấu đến năm 2025, có trên 95% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được bảy vùng trồng lúa được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn được cấp mã số vùng trồng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước, với diện tích hơn 282ha, sản lượng trong năm đạt khoảng 3.635,5 tấn.

Bàn giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài 4.jpg
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: CHÂU ANH

Để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và mở rộng diện tích sản xuất áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến, như "ba giảm, ba tăng", "một phải, năm giảm".

Đồng thời, tăng tỉ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... theo nhu cầu thực tế của thị trường. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có trên 95% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, giá thành sản xuất thấp.

“Sản xuất lúa gạo những tháng cuối năm 2023 được đánh giá là “được mùa, được giá” làm cho người nông dân vô cùng phấn khởi, tạo động lực để người dân tiếp tục gia tăng sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu. Ngành nông nghiệp và các địa phương sẽ tiếp tục có những giải pháp để giúp nông dân trồng lúa có lợi nhuận ổn định, bền vững” - ông Tuyên cho biết thêm.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thời điểm hiện nay, rất cần các Bộ, ngành cùng với các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, phối hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng người nông dân để tháo gỡ các khó khăn trong quá trình sản xuất, ổn định giá vật tư đầu vào, hỗ trợ khâu bảo quản, chế biến... Đặc biệt là các vấn đề về thông tin thị trường để giúp bà con nông dân thực sự hưởng được lợi ích lâu dài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm