Nhưng thực tế đó chỉ là phần “ảo ảo” về giác quan của nhiều người hâm mộ Việt Nam cùng vài quan chức VFF kỳ vọng vào lứa U-19 bóng bẩy ngày nào mà thôi.
Trước SEA Games 29, chúng tôi đã nhận định có năm đội có trình độ ngang ngửa nhau là đương kim vô địch Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Indonesia và Malaysia. Rồi sau khi bốc thăm, chúng tôi cũng từng đưa ra nhận xét U-22 Việt Nam cũng có thể vô địch và cũng có thể bị loại ngay sau vòng bảng bởi chất lượng các đội ngang ngửa nhau và ta thì vòng bảng phải tranh với Thái Lan, Indonesia để lấy hai suất.
Chúng ta có một thế hệ thi đấu với nhau nhiều năm nay cùng những cầu thủ ưu tú của lứa học viện 1 của bầu Đức và vài cầu thủ giỏi của U-20 giàu chinh chiến từ World Cup trở về. Nhưng số đông chỉ nhìn thấy sự tiến bộ của U-22 Việt Nam + sức sống U-20 mà không nhìn thấy sự tiến bộ và quá trình chuẩn bị cũng rất chu đáo của những đội khác.
Chỉ mang U-22 Myanmar ra so sánh với U-22 Việt Nam không thôi thì chúng ta không hơn Myanmar, bởi lứa U-22 này lấy nòng cốt từ một học viện trong khi ông chủ tịch tỉ phú của LĐBĐ Myanmar làm cả chục cái học viện ở khắp Myanmar.
Thái Lan thì chấp nhận yếu đi nhưng vẫn giữ lấy lề, đó là không để SEA Games phá vỡ lịch đấu Thai-League đồng thời cầu thủ lên đội tuyển rồi thì dù có tuổi U-22 cũng không được về đá SEA Games.
Nói thế để thấy rằng “ôm mộng” vô địch một giải đấu như SEA Games cần phải có những đánh giá khách quan. Mình tiến bộ thì họ cũng không đứng lại nhìn ta tiến.
Trước khi gặp Thái Lan, ai cũng hô hào không sợ Thái hay Thái phải sợ mình nhưng nhắc nhiều đến họ là vẫn còn nỗi sợ mà cố giấu đi, cố đậy lại. 90 phút chiều qua thì càng không thể đậy được.
Buồn vì không vào bán kết nhưng không thất vọng. Quan trọng là cứ xây nền tảng cho tốt, cứ tổ chức một V-League cho hay, cho sạch, cứ xây nhiều lò đào tạo trẻ…, khi nào đủ “trình” thì tính tiếp.