Giải Fair Play 2014 báo Pháp Luật TP.HCM: Tôn vinh bóng đá đẹp

Xuất phát từ những mùa giải 2010, 2011… bóng đá Việt Nam đương đầu với nạn bạo lực và xấu xí hoành hành, đồng thời những kỷ cương trên sân cỏ bị xem thường, báo Pháp Luật TP.HCM đã ngồi lại với các chuyên gia bóng đá tâm huyết…

Khi tất cả cùng yêu bóng đá đẹp

Sau những cuộc bàn tròn, Pháp Luật TP.HCM xác định được hầu hết nhà làm bóng đá đều muốn bóng đá nước nhà phát triển trên cái nền đạo đức tốt và sân cỏ Việt Nam xanh, đẹp…

Vậy thì tại sao nhiều lúc bóng đá nước nhà lại trôi theo hình ảnh xấu xí, thực dụng với những hành động xấu?

Câu trả lời được chỉ ra là vì bệnh thành tích, vì các đội bóng mải lo chạy theo chuyên môn hay những chiến thắng bằng mọi giá mà quên đi việc giáo dục cầu thủ. Hơn hết là việc bóng đá nước nhà nhiều lúc quên đi những phần cần thiết cơ bản là chăm chút cho hành vi đẹp của từng thành viên, từ cầu thủ đến lãnh đạo đội bóng và cả những người điều hành bóng đá.

Ngoài ra cũng có những ý kiến đưa ra rằng trong sự xấu xí đấy cũng có cả lỗi của giới truyền thông khi “tiết kiệm” việc ca ngợi những hình ảnh đẹp đáng biểu dương trên sân cỏ hoặc việc phát hiện bị hạn chế vì thiếu sự tương tác… Từ đó đã có đề xuất Pháp Luật TP.HCM làm cầu nối hay là một “kênh” để tôn vinh cái đẹp trên sân cỏ qua việc cổ vũ những hình ảnh Fair Play vốn không thiếu ở bóng đá Việt Nam…

Giải Fair Play với tên ban đầu là Bóng đá cao thượng đã ra đời từ đó, bắt đầu với mùa giải 2012.

Ông Tam Lang trong lần nhận giải “Vinh danh Fair Play” (ảnh trên) và hình ảnh ông khi là cầu thủ giơ cao cúp Merdeka 1966 (ảnh dưới). Ảnh: XUÂN HUY - TƯ LIỆU

Tuổi lên ba…

Thật hạnh phúc khi ý tưởng đấy mới được đưa ra đã có nhiều người ủng hộ. Chúng tôi còn nhớ phát biểu của ông Trần Duy Long khi đấy còn là chủ tịch LĐBĐ TP.HCM. Ông nói mà rưng rưng nước mắt khi nhắc lại các đấu trường quốc tế mà bóng đá Việt Nam từng trải qua có không ít những hình ảnh đẹp và hào hùng đầy chất nhân văn. Rồi ông buồn với những thế hệ cầu thủ sau này được hưởng rất nhiều quyền lợi cao nhưng lại ít chăm chút cho mình một lối sống đạo đức tốt ở ngoài đời lẫn sân cỏ… Ông không quy kết trách nhiệm cho ai nhưng kêu gọi mọi người hãy cố gắng góp một tay làm đẹp cho sân cỏ, bắt đầu từ việc “nhặt rác” cho vườn hoa bóng đá sạch trước rồi xinh tươi sau. Ông Long hồi đấy còn hào hứng “giao nhiệm vụ” cho báo Pháp Luật TP.HCM bắt đầu với công việc cần phải làm để góp phần cho sự phát triển của một nền bóng đá giàu truyền thống…

Hoặc như chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh hồi bấy giờ vẫn thường xuyên tụ tập anh em, bạn bè, các chuyên gia, những nhà báo cà phê ngay tại chung cư nhà ông để tìm một hướng đi cho bóng đá sạch rồi đến bóng đá đẹp. Cho sự cao thượng vốn rất cần ở sân cỏ Việt Nam mà từ khi cầu thủ đến lúc gõ đầu trẻ và làm công tác huấn luyện từ CLB đến đội tuyển, ông luôn xem đấy là kim chỉ nam…

Cùng những lời góp ý ấy, một phóng viên kể lại năm 1995, lần đầu đến Malaysia trong một chuyến công tác, anh đã tìm đến thánh địa Merdeka tại thủ đô Kuala Lumpur và giật mình với hình ảnh đội trưởng Tam Lang giơ cao chiếc cúp Merdeka năm 1966 tại đây, đồng thời nghe nhiều giai thoại về bóng đá Việt Nam mà người Malaysia sau hàng chục năm vẫn nhắc đến. Nó trùng khớp với lời kể của cựu tuyển thủ Nguyễn Văn Mộng nhắc đến một trận chung kết Merdeka 1966: “HLV Myanmar khi ấy rất ngại Đỗ Thới Vinh và cử hai, ba người kèm, đồng thời ra lệnh “sắc” bằng mọi giá khi Vinh có bóng. Vậy mà phút 61 ấy, Vinh vẫn qua người thật dẻo. Cái chân và thân người Vinh nhanh lắm, cứ lắc là qua, lắc là qua. Khi gần hết cả hàng phòng ngự bu lấy Vinh thì bất chợt Vinh lại chuyền qua cho Chiêu tung cú sút quyết định. Đường đi bóng của Vinh đã đẹp, đường sút của Chiêu cũng độc. Bóng đi đập từ cột trái chạy tít qua đập cột phải rồi mới chịu vào lưới. Chiếc cúp Merdeka danh giá thuộc về chúng ta sau pha bóng ngoạn mục ấy nhưng quan trọng nhất mà người Malaysia nhớ mãi vẫn là lối chơi đẹp mà Đỗ Thới Vinh điển hình cho một phong cách cao thượng…”.

Và người Malaysia của thế hệ những năm 1960 mê Vinh “đầu sói” bao nhiều thì gần 50 năm sau họ cũng mê lối đá của các cầu thủ U-19 Việt Nam như thế. Đó là hình ảnh ở vòng loại U-19 châu Á mà các cầu thủ Việt Nam lưu dấu ấn đậm không chỉ về chuyên môn mà còn phong cách thi đấu rất Fair Play…

Fair Play 2014 ở tuổi lên ba vẫn rất non trẻ nhưng hạnh phúc vì mỗi bước chân lại góp phần vào việc tôn vinh những nét đẹp gắn với những giá trị truyền thống đấy…

Ban tổ chức giải FAIR PLAY

 

10 tiêu chí Fair Play của FIFA

1. Thi đấu cao thượng (công tâm).

2. Thi đấu để thắng, chấp nhận thua cao thượng (toàn tâm toàn ý).

3. Tuân thủ luật chơi.

4. Tôn trọng đối phương, đồng đội, trọng tài, quan chức, khán giả.

5. Cổ vũ cho lợi ích bóng đá.

6. Tôn vinh những người cống hiến cho bóng đá.

7. Chống tiêu cực, chất kích thích, phân biệt chủng tộc, bạo lực, cờ bạc và mối nguy hiểm cho bóng đá.

8. Giúp mọi người chống lại áp lực của tiêu cực.

9. Tố giác những người gây tai tiếng cho môn thể thao của chúng ta.

10. Sử dụng bóng đá để làm cho thế giới tốt hơn.

Giải Fair Play 2014 báo Pháp Luật TP.HCM: Tôn vinh bóng đá đẹp ảnh 3
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm