Trong suốt hơn 150 năm, những nhà nghiên cứu đã nghiên cứu mẫu hóa thạch của loài chim tiền Archaeopteryx hòng tìm ra câu trả lời liệu nó có biết bay hay không.
Nghĩ rằng việc có vẻ đơn giản nhưng hóa thạch của loài khủng long, cánh có lông vũ này được tìm thấy ở Đức và không để lại bất cứ manh mối nào có thể làm sáng tỏ bí ẩn về nó.
Hóa thạch đặc biệt còn khá nguyên vẹn về loài chim này được tìm thấy ở Đức. Ảnh: Science
Bộ xương hóa thạch được tìm thấy bên trong một phiến đá vôi và nếu cố gắng lấy bộ xương ra khỏi phiến đá sẽ khiến chúng rất dễ bị hư hỏng. Đặc biệt hơn, đây là một trong những mẫu hóa thạch có giá trị nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, với kỹ thuật chụp X-quang tiên tiến được Cơ sở bức xạ Synchrotron ở Pháp vừa đưa vào thử nghiệm cho phép hiển thị các tính chất bị che khuất mà không làm hư hại mẫu hóa thạch đã tìm ra được một số manh mối vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 13-3.
Theo các nhà khoa học, loài chim ngày nay được tiến hóa từ khủng long và Archaeopteryx là một phần trong tiến trình tiến hóa đó. Archaeopteryx được biết là loài chim tiền sử, sống cách đây khoảng 75 triệu năm. Mặc dù nó có lông vũ trên cánh nhưng không có nghĩa là chúng có thể bay, cũng giống như một số loài hậu duệ của nó như đà điểu, hay cánh cụt chẳng hạn. Vậy nên việc xác định được liệu loài chim cổ đại này có thể bay hay không vẫn còn là điều nan giải với các nhà khoa học.
Nhiều giả thiết trước đây cho thấy loài chim này không biết bay và sống trên cạn. Ảnh: AboutIslam
Nếu đặt giả thiết loài chim này có thể bay thì nó sẽ làm điều đó bằng cách nào, vì các nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy cấu trúc xương vai của nó trên mẫu hóa thạch không giống với loài chim hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà kết luận được khả năng bay của nó vì ngoài hệ khung xương, các cơ cánh cũng góp phần nâng đỡ cơ thể loài chim này, mà những thứ đó không còn tồn tại trong mẫu hóa thạch.
Tuy nhiên, phim chụp X-quang mẫu hóa thạch lại đang đưa ra một bằng chứng rất thuyết phục về khả năng bay của loài chim này.
Thật ngạc nhiên khi phân tích bằng máy quét X-quang thì hình dạng xương cánh của Archaeopteryx trông giống loài chim hiện đại hơn dự kiến, mặc dù nó vẫn còn rất nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên, đây cũng là bằng chứng mạnh mẽ nhất trong 150 năm nghiên cứu cho thấy loài này có khả năng bay nhiều hơn.
Thêm vào đó, kết quả X-quang cho thấy xương của Archaeopteryx có cấu trúc rỗng, một điểm tương đồng với chim bay hiện đại và loài thằn lằn sấm (biết bay) cổ đại. Đây cũng là một căn cứ mới cho thấy loài này có thể bay.
Một số phát hiện gần đây cho thấy loài chim này hoàn toàn có thể bay, nhưng khả năng bay xa của nó đến đâu vẫn còn phải nghiên cứu nhiều mới có thể đưa ra kết luận. Ảnh: CNN
Các nhà khoa học đã làm một phép so sánh khi đặt xương của Archaeopteryx cạnh một số mẩu xương của loài chim sống trên mặt đất như gà lôi và chẹo đất lớn... thì thấy rằng nó cũng có một số điểm chung. Điều này cho thấy Archaeopteryx cũng có thể bay ở những chặng ngắn hòng chạy trốn kẻ thù như cách mà gà lôi hay chẹo đất lớn có thể làm.
Khoảng 150 triệu năm về trước, trong suốt kỷ Jura, thời mà Archaeopteryx sinh sống, thì phía Nam của nước Đức - nơi tìm thấy mẫu hóa thạch từng là một quần đảo nhiệt đới. Vậy nên giả thuyết loài chim này có thể bay hòng di chuyển từ đảo này qua đảo khác cũng có thể xảy ra, tuy nhiên các nhà khoa học cho biết họ cần có thêm thời gian để nghiên cứu về vấn đề này.
Cũng trong lần nghiên cứu này, các nhà khoa học cũng xác nhận rằng, loài chim cổ này không có khả năng nâng cánh của mình cao hơn lưng vì cấu trúc vai nguyên thủy của nó thiếu một xương ức gắn liền với các cơ hỗ trợ bay.
Cũng có thể vì cấu trúc này không hoàn toàn hiệu quả cho khả năng cất cánh cao nên dần nó đã bị loại bỏ và tiến hóa thành cấu trúc xương mới như của loài chim hiện đại đang có.