Trên Twitter ngày 5-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói từ ngày 10-5 tới, ông sẽ tăng mức thuế quan đánh trên 200 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc (TQ) từ mức 10% áp dụng năm ngoái lên 25%. Ông Trump cũng nói sẽ không loại trừ khả năng sẽ đánh thuế 25% lên khoản 325 tỉ USD hàng TQ nhập khẩu nữa.
Phát ngôn của ông Trump đến chỉ ba ngày trước khi một vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung nữa diễn ra tại Mỹ (từ ngày 8 đến 10-5). Vòng đàm phán trước đó kết thúc ngày 1-5 tại TQ với đánh giá tích cực.
Bước đi đúng thời điểm của ông Trump
Báo Guardian dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát rằng thái độ của ông Trump phản ánh đúng chủ trương “nước Mỹ là trước hết”. Thêm nữa, ông Trump từng có tiền lệ có các phát ngôn cứng rắn trong quá trình thương lượng thương mại. Trước đây, ông Trump cũng từng nói ông chỉ có thể có được các thỏa thuận mới bằng các biện pháp mạnh như đe dọa, thậm chí thực hiện đánh thuế lên các đối tác thương mại.
Guardian dẫn ý kiến nhiều nhà phân tích cho rằng phát ngôn vừa rồi của ông Trump có liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Cùng nhận định này có chuyên gia Michael Pillsbury, Giám đốc về chiến lược TQ tại Viện Chính trị bảo thủ Hudson (Mỹ) và là tác giả cuốn sách Cuộc chạy đua một trăm năm: Chiến dịch bí mật của TQ nhằm thay thế Mỹ như một siêu cường toàn cầu.
Theo chuyên gia Pillsbury, sở dĩ ông Trump cứng rắn với TQ vì không muốn mất điểm và phải trả giá về chính trị. Lúc còn tranh cử tổng thống, ông Trump từng nhiều lần hứa sẽ không bỏ qua chuyện thua thiệt thương mại với TQ. Đây cũng là một lý do nữa tại sao ông Trump cứng rắn với cuộc chiến thương mại hai bên. Và không ngạc nhiên vì sao quá trình thương lượng lại kéo dài đến thế dù TQ tham gia hết sức tích cực.
Chuyên gia Pillsbury ủng hộ thái độ này của ông Trump. Theo ông, chính sách cứng rắn của Mỹ là cần thiết để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của Mỹ trước đà tấn công về kinh tế của TQ. Về lâu dài thì biện pháp đánh thuế nên được bỏ nhưng ông Trump đã đúng khi cứng rắn để buộc TQ nghiêm túc trong thương lượng và thực thi thỏa thuận một khi thỏa thuận được ký kết.
Theo chuyên gia Pillsbury, thái độ cứng rắn của ông Trump sẽ giúp giảm thiểu các bất đồng về sau giữa hai bên, sau khi thỏa thuận được ký. TQ sẽ không thể tránh né các nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận nếu không muốn Mỹ tăng đánh thuế.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong một lần đàm phán. Ảnh: AFP
Viễn cảnh thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đang mờ dần?
Cả thế giới đang chú ý về vòng thương lượng tuần này ở Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng phát ngôn của ông Trump không phải là dấu hiệu Mỹ thay đổi chiến lược, thương lượng với TQ. Chuyên gia Pillsbury phân tích các nội dung quan trọng trong cuộc chiến thương mại hai bên và đánh giá khả năng có được một thỏa thuận thương mại.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bước vào một giai đoạn mới với khả năng lớn sẽ không chấm dứt. Chuyên gia MIKHAIL BELYAEV, Viện Nghiên cứu chiến lược Nga |
Thứ nhất, theo chuyên gia Pillsbury, việc tấn công mạng vào hệ thống kinh doanh của Mỹ đã giúp các công ty TQ thu được nhiều lợi thế trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, xe điện, động cơ máy bay, lò phản ứng hạt nhân. Mỹ không thể duy trì uy thế tuyệt đối của mình về công nghệ nếu tình trạng này cứ tiếp tục. Nhưng TQ cũng không sẵn lòng từ bỏ việc này. Chuyên gia Pillsbury dự đoán hai bên sẽ không đạt được thống nhất về lĩnh vực này.
Thứ hai, việc giám sát và hạn chế các nỗ lực của TQ nhằm buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho mình như một cái giá để được tiếp cận thị trường nước này là rất khó, trừ khi Mỹ duy trì đánh thuế TQ như một biện pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, phe cứng rắn ở TQ khả năng sẽ dồn sức vận động để thắng được Mỹ ở nội dung này. Theo chuyên gia Pillsbury, thỏa thuận về nội dung này chỉ có khi Mỹ có được niềm tin rằng TQ sẽ tuân thủ cam kết trong một thỏa thuận thương mại. Mặt khác, TQ từ chối tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới sau khi gia nhập năm 2001, không thực hiện lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Barack Obama là không quân sự hóa biển Đông. Các thực tế này cho thấy Mỹ cần thiết phải có một cơ chế thực thi đủ mạnh trong thỏa thuận với TQ.
Thứ ba, các công ty nhà nước TQ có được sự bảo hộ rất mạnh từ chính phủ. Rất khó có được một thỏa thuận buộc TQ từ bỏ bảo hộ các công ty này. Lý do là các công ty này rất có quyền lực về chính trị và rất quan trọng về kinh tế.
Thứ tư, mất cân bằng thương mại Mỹ-Trung có vai trò của việc TQ thao túng tiền tệ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin chủ hòa trong chuyện này, đã không dán nhãn TQ là kẻ thao túng tiền tệ dù ông Trump từng hứa sẽ làm điều này khi tranh cử tổng thống năm 2016. Vì thế có thể đoán Mỹ sẽ không siết TQ mạnh trong việc này.
Theo Pillsbury, về chung cuộc có thể sẽ vẫn có một thỏa thuận. Nhưng thỏa thuận này không phục vụ lợi ích dài hạn của Mỹ, vì nó sẽ không được thực thi đầy đủ.
Theo chuyên gia Mikhail Belyaev tại Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, việc ông Trump bất ngờ đe dọa tăng thuế khi đàm phán đã đến giai đoạn cuối là có ý đồ. Ông Trump muốn xác lập mức thuế quan cho giao dịch thương mại tương lai với TQ vì cho rằng tự do thuế quan với TQ có hậu quả tiêu cực lớn với kinh tế Mỹ. Ông Trump cố tình đi bước này để củng cố “thực tế mới” trong thương mại. Theo ông, về chung cuộc, Mỹ sẽ không giảm thuế quan với TQ dù thỏa thuận thương mại có được thống nhất đi nữa. Thương mại hai bên sẽ tiếp tục diễn ra trên “thực tế mới” đó, do đó Mỹ và TQ sẽ còn đối đầu. |