Từ khi chúa Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi về phương Nam, trấn phủ của các chúa Nguyễn đều liên tục thay đổi, từ Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát (Quảng Trị), Phước Yên, Kim Long, Phú Xuân, Bác Vọng (Thuận Hóa).
Phủ Dương Xuân thành hình
Vào năm 1680, chúa Nguyễn thứ tư là Nguyễn Phúc Tần đã cho xây dựng một tòa phủ khác gọi là phủ Dương Xuân ở gò Dương Xuân, phía Nam sông Hương để đề phòng lũ lụt. Đến đời chúa thứ tám là Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, đặt Phú Xuân làm đô thành, vẫn giữ phủ Dương Xuân ở phía Nam. Cha cố Jean Koffler được chúa Khoát mời làm ngự y trong cung kể lại rằng: “Còn ba cung điện khác nữa…, cung điện thứ nhì dùng làm cung điện mùa đông của chúa dựng bên kia sông”.
Nếu nhìn bản đồ vùng phía Nam sông Hương, dễ hiểu tại sao các chúa Nguyễn lại xây phủ Dương Xuân. Phía trên là thành Phú Xuân nằm trên một hòn đảo mà người phương Tây gọi là Vương đảo, thành nằm giữa sông Hương và sông Kim Long, phía Nam là một vùng rộng lớn đất trũng, nổi lên là gò Dương Xuân, một chỗ đất cao ráo. Nếu các vùng đất xung quanh rất dễ bị lụt lội thì ở gò Dương Xuân vẫn bình an vì gò rất cao, toàn bộ khu vực Dương Xuân Thượng và Dương Xuân Hạ có diện tích bằng cả Đại nội, những chỗ như dốc Ông Đông cao 40,7 m, cây gia mụ tô cao 43 m… so với mực nước biển nên “chấp hết” các trận lụt. Theo nhận xét của các nhà sử học, đây là một khu vực lý tưởng để xây các công trình lớn và quan trọng như cung điện mà tài liệu sử sách cũ ghi nhận.
Khi vua Quang Trung đưa quân ra chiếm Phú Xuân, ông đã không ở trong thành Phú Xuân mà chiếm giữ phủ Dương Xuân có thể vì mùi tử khí trong thành, Quang Trung đã dùng thủy binh đợi thủy triều lên cao nã pháo chiếm Phú Xuân nên ông cũng không muốn địch dùng thủy quân tấn công tương tự. Ngoài ra, quân lính Tây Sơn phần lớn người vùng thượng du dùng voi trận quen rừng núi nên đóng ở gò cao quan sát thành lợi hơn. Sau khi đưa quân ra Bắc đánh tan quân Trịnh, Quang Trung quay trở lại tiếp tục ở trong phủ Dương Xuân và xây dựng lại. Giáo sĩ La Bartette ghi lại: “Sau khi tân vương (Nguyễn Huệ) về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự, ông đã cho xây một bức tường cao 20 pie (khoảng 6,48 m) xung quanh dinh của ông. Hình như ông gấp lắm, ông bắt mọi người làm sáng đêm không nghỉ…”.
Cung điện Đan Dương có lẽ hình thành từ lúc này.
Lớp móng đá của tường đá được khai quật.
Những dấu tích còn lại
Từ chùa Vạn Phước nhìn về phía Nam theo một con dốc có một địa danh là cồn Bông Sứ, sở dĩ có địa danh này vì trước đây trồng nhiều cây sứ cổ, gốc rất to. Truyền thống ở Huế thường trồng bông sứ ở cung điện, lăng mộ hoặc những nơi thờ tự lớn, tên cồn Bông Sứ gợi nên liên tưởng về nơi thờ cúng hay lăng mộ nào đó.
Cuối con dốc là một hồ trồng rau răm, người dân ở đây cho biết ngày xưa là một hồ bán nguyệt lớn thả sen, điều này khá phù hợp với mô tả trong bút ký Voyage của nhà buôn Pháp Pierre Poivre khi đến thăm võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Ông Nguyễn Đắc Xuân đã đối chiếu từ chùa Thiền Lâm và nhận thấy những điều trùng hợp với mô tả về dinh Thượng hay cung điện mùa đông đã dẫn trong sách, như cung điện có chỗ cao chỗ thấp, một cánh nhìn ra sông, trước cung điện có hồ nhỏ, đối diện cung điện có gò đất cao…
Các chùa và nhà dân trong vùng đào được tới hàng trăm phiến đá táng cột, nhiều phiến lỗ cột có đường kính 22-27 cm mà theo ông Nguyễn Đình Vinh, chuyên gia nhà cổ Huế, trước thế kỷ 20 nhà dân ở Huế chỉ có cột tới 20 cm là hết. Cột lớn hơn chỉ có dinh thự của quan lại hoặc vua chúa.
Trong vùng có nhiều giếng cổ và mộ cổ có tên gọi “giếng loạn” và “mả loạn”, vốn là những từ ngữ nhà Nguyễn dành cho các vùng đất của phong trào Tây Sơn… gò Dương Xuân thuộc ấp Bình An, mà các địa danh có chữ Bình và An thời nhà Nguyễn xuất phát từ việc đổi tên các địa danh liên quan đến Tây Sơn (như Quy Nhơn đổi thành Bình Định, ấp Tây Sơn đổi thành An Tây).
Những tư liệu tìm kiếm trong hơn 30 năm, từ các cổ văn trong và ngoài nước cho đến nghiên cứu thực địa, ông Nguyễn Đắc Xuân đã viết nhiều tham luận, báo cáo tại nhiều hội nghị, hội thảo liên quan đến triều đại Tây Sơn và tại hội thảo Cung Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế vào tháng 10-2016, rất nhiều người trong giới chuyên môn, trong đó có GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã ủng hộ việc khai quật khảo cổ học gò Dương Xuân để tìm thêm các tư liệu mới tại đây.
Lòng đất gò Dương Xuân nói gì?
Từ đó Hội Khảo cổ học Việt Nam, Sở VH&TT Thừa Thiên-Huế với sự tài trợ từ Vietravel đã tổ chức tiến hành khai quật thăm dò khảo cổ lại gò Dương Xuân từ ngày 7-10 đến 20-10-2016. Do là thăm dò nên chỉ khai quật 22 m2 với năm hố nhỏ, tuy nhiên kết quả khai quật lại thu được rất nhiều kết quả khả quan.
Trên một diện tích hết sức nhỏ, chỉ đào sâu xuống từ 40 cm đến khoảng 1 m nhưng các chuyên gia khảo cổ đã tìm được hai đồng tiền, bốn vũ khí có thể là câu liêm, cùng với 337 mảnh gốm sứ và hiện vật, trong đó có một mảnh đĩa sứ thời Khang Hy (thời nhà Nguyễn, gốm sứ Khang Hy chỉ dùng cho quan lại hoặc vua chúa, người dân không được phép dùng), 471 mảnh sành, 930 mảnh gạch ngói và hiện vật. Đặc biệt tại các hố thăm dò số 5 đã tìm thấy một lớp đá gan gà xếp lớp nằm lên nhau không có vật liệu kết nối, rộng tới 5,5 m và chưa thể xác định được chiều dài, giống nền móng của tường thành. Theo những người dân trong vùng, trước năm 1975 ở đây có một tường đất đá lớn chạy dài. Phải chăng đây là tường thành cao hơn 6 m mà vua Quang Trung đã xây bao quanh cung điện Đan Dương năm 1788 mà giáo sĩ La Bartette đã từng nói tới?
PGS-TS Bùi Văn Liêm, chủ trì việc khai quật, cho tôi biết tất cả hiện vật tìm thấy tại gò Dương Xuân đã cung cấp thêm những tư liệu về khảo cổ học, sử học, văn bản học… về thời kỳ Tây Sơn, liên quan đến các thành quách, cung điện. Những giá trị này đủ để lập hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL cho phép tổ chức khai quật khảo cổ học trong thời gian tới trên quy mô lớn hơn.
Ông Liêm đã kiến nghị rất nhiều việc cần phải làm trong thời gian sắp tới, bao gồm:
- Tiếp tục khai quật và nghiên cứu móng đá xếp để đánh giá công năng và quy mô của công trình, thu thập các tư liệu, mẫu hiện vật còn lưu giữ trong nhân dân, tìm hiểu phân bố các di tích tại đây.
- Bảo vệ và bảo tồn khu di tích, cắm hệ thống biển báo ngay tại khu di tích. Tăng cường tuyên truyền để dân cư địa phương bảo vệ và trân trọng di tích, di vật.
- Sử dụng công nghệ viễn thám dùng tia laser khảo sát từ trên cao, thu thập các điểm phản xạ ba chiều.
- Kiến nghị các tổ chức, các nhà khoa học sớm nghiên cứu và giải đáp các nghi vấn tồn đọng nhiều năm qua về quy mô cung điện Đan Dương, những tiên liệu và căn dặn của vua Quang Trung cũng như vị trí, quy mô, kiến trúc, bài trí… của lăng mộ Quang Trung.
Như vậy việc tìm ra thông tin chính xác về cung điện Đan Dương sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Riêng lăng mộ của Quang Trung sẽ khó khăn hơn nhiều vì bị phá hủy nặng nề nhất nhưng ngay cả khi có tìm ra được lăng mộ, vẫn chưa chắc có thể chứng minh được người đã từng nằm trong đó có phải đúng là vua Quang Trung thật hay không. Đó là lý do vẫn còn rất nhiều giả thuyết về lăng mộ của ông ngay tại Huế, còn hơn bốn địa điểm khác nhau ngoài cung điện Đan Dương.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Lăng mộ vua Quang Trung sẽ do thế hệ sau tìm kiếm Tôi là một nhà nghiên cứu nghiệp dư khơi khơi, tôi chỉ là một người làm báo, viết văn, chưa từng được biên chế trong một tổ chức nghiên cứu văn hóa lịch sử hay khảo cổ học nào, tôi không có thời gian nghiên cứu, không được cơ quan nào tài trợ, không có phương tiện nghiên cứu, không có tư cách pháp nhân để vào các cơ quan nhà nước như Viện Hán Nôm, các kho lưu trữ quốc gia… để tìm kiếm tư liệu, thậm chí công trình của tôi cũng không tìm được tổ chức phản biện đánh giá để nên đi tiếp hay dừng lại… Tôi vượt qua tất cả khó khăn đó vì tình yêu với Huế và sự tự hào với Quang Trung Nguyễn Huệ. Đối với tôi sau bao nhiêu năm nghiên cứu, nay cuộc khai quật thăm dò gò Dương Xuân đã chứng minh được trong vùng có kiến trúc cung điện chôn vùi trong đó, nhiệm vụ của tôi tới đây là hoàn thành, tôi đã tìm được cái tôi đi tìm. Nhà nước có ý định khai quật tiếp, tuần này hay tuần sau họ sẽ có công bố, theo tôi dưới đất còn vô số hiện vật, sau khi khai quật có phục hồi cung điện Đan Dương hay không là việc của Nhà nước, còn bản thân tôi đã kết thúc hơn 30 năm nghiên cứu. Tất cả tư liệu tôi đã tìm kiếm tôi để lại công trình này cho nhóm Đan Dương, công việc tiếp theo của nhóm sẽ làm việc tiếp cho đến khi gò Dương Xuân trở thành khu lưu niệm. Lăng mộ vua Quang Trung sẽ được thế hệ sau thay tôi tìm kiếm vì tôi đã sắp 80 tuổi rồi, không còn đủ thời gian để theo nữa. |