Đến tháng 5-2014, Odessa trở thành nơi đụng độ giữa 2 phe biểu tình ủng hộ và chống chính phủ. Bạo lực leo thang nghiêm trọng tại thành phố.
Vào ngày 2-5, một cuộc đối đầu đã kết thúc trong thảm kịch khi các phần tử dân tộc cực đoan đốt cháy tòa nhà thương mại và các trại biểu tình, mặc cho người biểu tình chống chính quyền Kiev còn kẹt lại bên trong. Có hơn 50 người bị giết và 250 người bị thương.
Tòa nhà Thương mại ở Odessa bị đốt cháy bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. (Ảnh: Reuters)
Nhiều chân chứng tại hiện trường cho biết, số người chết thực tế cao hơn nhiều khi những ai thoát ra khỏi đám cháy lại tiếp tục bị đánh bằng gậy và bóp cổ đến chết bởi những kẻ cực đoan.
Báo cáo điều tra chính thức của chính phủ không đưa ra bất cứ kết luận nào thỏa đáng về nguyên nhân tử vong của những người biểu tình chống chính phủ.
Giám định pháp y cho thấy chín người đã chết vì ngộ độc khí carbon monoxide, 13 người chết vì ngộ độc khí đốt, 12 đã chết vì bỏng, tám đã chết vì vết thương khi họ nhảy ra khỏi cửa sổ, và sáu đã chết vì súng bắn. Tuy nhiên, không có thủ phạm nào bị bắt giữ.
Những hồ sơ báo cáo còn bị cáo buộc là giả mạo. Một thành viên của quốc hội Ukraine, bà Svetlana Fabrikant, thư ký của ủy ban điều tra vụ thảm sát tại Odessa đã xem lại các báo cáo này và cho biết nội dung chúng “rất khác” so với những gì mà bà đã ký.
Các nhà báo Nga bị giết hại
Đầu tháng 6, khi các cuộc nổi dậy ở miền Đông Ukraine phát triển thành các cuộc xung đột vũ trang. Chính quyền Kiev mở nhiều chiến dịch “chống khủng bố” nhằm tái chiếm các khu vực nổi dậy ở Luhansk và Donetsk. Các phóng viên chiến trường người Nga sau đó đã có mặt tại các điểm nóng và trở thành nạn nhân của cuộc nội chiến.
Phía Nga cáo buộc, rất nhiều nhà báo đã bị bắt cóc, thẩm vấn và tra tấn trong cuộc chiến giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai miền đông nam Ukraine. Một số người thậm chí phải trả giá bằng mạng sống của chính mình khi đang đưa tin từ chiến trường.
Phóng viên chiến trường người Nga của hãng tin RIA, Andrei Stenin, mất tích kể từ đầu tháng Tám, được tìm thấy đã chết ở Ukraine (Ảnh: AFP)
Rất ít chi tiết được làm rõ về cái chết của nhà báo Nga Igor Kornelyuk và kỹ sư âm thanh Anton Voloshin, nhà quay phim Anatoly Klyan hay phóng viên ảnh Andrey Stenin, phóng viên người Ý Andrea Rocchelli và phiên dịch Andrey Mironov. Tất cả đều đã thiệt mạng trong khi tác nghiệp tại các cuộc đụng độ quân sự khốc liệt trong vùng Donetsk và Luhansk.
Hãng tin Nga RT thống kê cho thấy kể từ đầu tháng 6 đến nay đã có 5 nhà báo người Nga bị giết và 8 người bị bắt cóc, đánh đập và tra tấn ở Ukraine.
Theo yêu cầu từ phía Moscow, chính phủ Kiev đã cho tiến hành các cuộc điều tra nhằm tìm ra thủ phạm các vụ sát hại nhà báo. Cả hai phe chính quyền Kiev và lực lượng ly khai đổ lỗi qua lại cho nhau về vấn đề này.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), một tổ chức thúc đẩy tự do báo chí và bảo vệ các nhà báo bị ngược đãi, đã cảnh báo về sự nguy hiểm ở Ukraine, đặc biệt là ở các vùng phía đông đang bị nhấn chìm bởi chiến tranh.
Video những người bị kẹt trong tòa nhà cháy nhảy ra khỏi cửa sổ: Nguồn RT