Ngày 22-11, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn thông báo từ Bình Nhưỡng rằng Triều Tiên phóng vệ tinh quân sự do thám đầu tiên vào quỹ đạo.
Triều Tiên khẳng định việc này là “quyền hợp pháp của Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng tự vệ” cũng như cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu trước “các động thái quân sự nguy hiểm của kẻ thù”.
Hiện tại Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc cho biết họ đang tiếp tục phân tích vụ phóng vệ tinh và chưa thể xác định liệu sứ mệnh này của Triều Tiên có thành công hay không.
Giúp Triều Tiên tăng năng lực quân sự?
Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington (Mỹ), năng lực vệ tinh quân sự đầy đủ sẽ giúp Bình Nhưỡng cập nhật thông tin theo thời gian thực về các hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên và giúp Triều Tiên đạt tiến bộ trong việc triển khai khả năng răn đe hạt nhân. Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng ngay cả một vệ tinh đơn lẻ trên quỹ đạo cũng mang lại “điểm cộng” cho năng lực quân sự của Triều Tiên.
Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc hoạt động tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nói với CNN: “Nếu vệ tinh hoạt động, nó sẽ cải thiện khả năng chỉ huy, kiểm soát và liên lạc hoặc tình báo và giám sát của quân đội Triều Tiên. Điều này sẽ cải thiện khả năng chỉ huy lực lượng của Triều Tiên nếu bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra”.
Ông Chad O'Carroll, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn Korea Risk Group (Hàn Quốc), cũng cho rằng việc có một vệ tinh trinh sát quân sự hoạt động sẽ báo hiệu một sự thay đổi lớn đối với năng lực tình báo của Triều Tiên mà cho đến nay vẫn dựa vào radar, các cuộc tấn công mạng Internet và nhân lực tình báo, theo tờ The Washington Post.
Dù vậy, có những chuyên gia cho rằng vẫn cần thời gian để xem xét khả năng thực sự của vệ tinh Bình Nhưỡng đã phóng. Một số người thậm chí nhận định rằng Bình Nhưỡng sẽ “mất nhiều hơn được” sau vụ phóng vệ tinh vì Hàn Quốc đã khôi phục các hoạt động thu thập thông tin tình báo dọc biên giới. Seoul làm điều này vào ngày 22-11 khi quyết định đình chỉ một phần thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều ký năm 2018 để đáp trả vụ Triều Tiên phóng vệ tinh.
Triều Tiên mong muốn phát triển năng lực vũ trụ và vệ tinh, đặc biệt là tạo ra “chòm sao” vệ tinh phục vụ việc do thám, giám sát. Lần phóng thành công vệ tinh quân sự do thám vào quỹ đạo này sẽ là nền tảng giúp Triều Tiên phát triển các vệ tinh trong tương lai.
Nga giúp Triều Tiên tạo đột phá?
Trước đó, Triều Tiên đã hai lần phóng vệ tinh vào quỹ đạo vào hồi tháng 5 và tháng 8 nhưng thất bại. Lý do thất bại lần phóng thử hồi tháng 5 là tên lửa mang vệ tinh gặp trục trặc ở giai đoạn 2; hệ thống động cơ mới có độ tin cậy và tính ổn định thấp; nhiên liệu sử dụng không ổn định. Còn lần thứ hai thất bại là do lỗi trong hệ thống kích nổ khẩn cấp trong giai đoạn 3 của quá trình bay. Ở cả hai lần phóng thử này, tên lửa mang vệ tinh đã vỡ thành nhiều mảnh và rơi xuống biển, theo KCNA.
Tuy nhiên, ở lần thứ ba này, Triều Tiên đã tuyên bố đưa thành công vệ tinh vào quỹ đạo và điều này khiến giới quan sát đặt ra câu hỏi liệu có phải Nga đã giúp Triều Tiên tạo ra đột phá đó. Các quan chức tình báo Hàn Quốc và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này - ông Shin Won-sik cho rằng Triều Tiên đã gần như khắc phục được các vấn đề về tên lửa nhờ sự giúp đỡ của Nga nhưng không cung cấp chi tiết sự hỗ trợ này đến mức nào.
CSIS chỉ ra rằng trong chuyến công du tới Nga hồi tháng 9, điểm dừng chân đầu tiên của ông Kim Jong-un là sân bay vũ trụ Vostochny Cosmodrome. Điều này cho thấy ưu tiên rõ ràng của Triều Tiên về công nghệ vệ tinh quân sự và chương trình không gian.
Khi thị sát địa điểm phóng tên lửa vào vũ trụ này cùng ông Kim, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát đi tín hiệu rằng Nga sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên phát triển chương trình không gian và vệ tinh. Chính vì thế, CSIS cho rằng có mối liên hệ nhân quả giữa sự hỗ trợ của Moscow dành cho Bình Nhưỡng và sự khác biệt trong kết quả phóng tên lửa trước và sau khi ông Putin và ông Kim gặp nhau tại Nga.
Tuy nhiên, ông Ankit Panda, chuyên gia chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), cho rằng việc đưa ra giả định rằng Triều Tiên tạo ra khác biệt ở lần phóng vệ tinh này nhờ tư vấn và hỗ trợ từ Nga là điều cần phải xem xét lại.
“Đối với tôi, có vẻ khó có khả năng xảy ra trong khoảng thời gian này (giữa lần phóng thử thứ hai và thứ ba) rằng Triều Tiên đã nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Nga… Chúng ta hãy nhớ rằng tại thời điểm này, bản thân Triều Tiên đã có khả năng đáng kể” - ông Panda nhận định.•
Các nước phản ứng vụ Triều Tiên phóng vệ tinh do thám
Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa mang vệ tinh do thám, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã đặt quân đội trong tình trạng báo động vì lo ngại rằng các mảnh vỡ từ tên lửa của Triều Tiên có thể rơi xuống lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản, theo tờ The New York Times.
Hàn Quốc gọi vụ việc này là sự vi phạm rõ ràng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, đồng thời đình chỉ thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều ký năm 2018.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gọi vụ việc là mối đe dọa nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân và cho biết Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối tới Triều Tiên. Ông Kishida cũng nhắc lại cam kết tiếp tục hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc để ứng phó với các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson nói rằng Washington cực lực lên án vụ phóng tên lửa và việc này có thể làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn cho tình hình an ninh trong và ngoài khu vực.