Giảm tốc độ 10 tuyến đường có làm giảm tai nạn?

Mới đây, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đã có văn bản đề xuất Sở GTVT TP điều chỉnh tốc độ theo hướng giảm tối đa được phép tại các khu vực, tuyến đường đặc thù có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp.

Tai nạn giao thông tăng cao

Trong đó, chủ yếu là giảm tốc độ đối với các phương tiện là ô tô trên các tuyến: Quốc lộ 1, quốc lộ 22, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Kinh Dương Vương, Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Văn Lượng, Phan Văn Trị. Theo đó, tốc độ dành cho ô tô được giảm xuống còn 50-60 km/giờ. Một số làn xe hỗn hợp giảm xuống còn 40 km/giờ.

Một lãnh đạo Phòng PC67 Công an TP.HCM cho biết đầu năm 2018, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) có nhiều diễn biến phức tạp, số người chết tăng cao. Trong khi đó, tài xế có tâm lý chủ quan, gây ra những vụ TNGT thương tâm.

Lãnh đạo Phòng PC67 cho biết đề xuất giảm tốc độ đối với 10 tuyến đường lần này dựa trên những khảo sát, kiểm tra, theo dõi tình hình TNGT, va chạm, tốc độ và lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường đó. Chẳng hạn như tuyến Nguyễn Văn Linh đi qua khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nếu tốc độ quá cao ban đêm sẽ gây tiếng ồn rất lớn. Không những vậy, năm 2017, Phòng PC67 đã thí điểm điều chỉnh giảm tốc độ ở một số tuyến đường mang lại hiệu quả, TNGT cũng được hạn chế.

“Các tuyến huyết mạch giao thông ở TP.HCM đang được điều chỉnh để giảm tốc độ. Dĩ nhiên trên cơ sở hợp lý chứ không giảm đồng loạt” - lãnh đạo Phòng PC67 nhấn mạnh.

Đường Phạm Văn Đồng được đề xuất giảm tốc độ đối với ô tô xuống còn 70 km/giờ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về phía Ban ATGT TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT, nhận định đề xuất của Công an TP là phù hợp nhưng còn phải rà soát lại trên thực tế, nếu còn thấy bất cập về tốc độ phải tính toán hợp lý, đặc biệt đối với làn xe hỗn hợp. “Giảm tốc độ phải hợp lý, phù hợp với tình hình của từng tuyến đường” - ông Tường nhấn mạnh.

Ông Tường cho biết về nguyên tắc, đề xuất của Phòng PC67 Công an TP sẽ dược Sở GTVT TP nghiên cứu, lập đoàn kiểm tra khảo sát, tính toán lại để có những điều chỉnh hợp lý hơn. Ông cũng cho biết hiện nay vấn đề vi phạm tốc độ đã gây nên nhiều vụ TNGT. Tâm lý chung tài xế khi đến điểm giao cắt hay ùn tắc thì chạy chậm nhưng khi thoát ra được thì lại chạy tốc độ cao, dẫn đến TNGT. Ở vùng ven, đặc biệt là quốc lộ thường xảy ra TNGT liên quan tốc độ.

1.446 là số vụ TNGT trong năm tháng đầu năm 2018 trên địa bàn TP.HCM, làm chết 275 người và bị thương 894 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 44 vụ, tăng năm người chết, giảm 310 người bị thương. 

10 tuyến đường giảm tốc độ

Theo đó, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đề xuất giảm tốc độ 10 tuyến đường sau:

Quốc lộ 1: Điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép đối với các loại ô tô đoạn từ vòng xoay An Lạc đến giáp ranh Long An: Từ 60 km/giờ xuống 50 km/giờ; đoạn từ vòng xoay An Lạc đến cầu Đồng Nai: Từ 80 km/giờ xuống 60 km/giờ.

Đường Trường Chinh: Từ 80 km/giờ xuống 60 km/giờ.

Quốc lộ 22: Đoạn từ ngã tư An Sương đến cầu An Hạ: Từ 80 km/giờ xuống 60 km/giờ (riêng ô tô tải và các phương tiện có kết cấu tương tự từ 60 km/giờ xuống 50 km/giờ). Đoạn từ cầu An Hạ đến cống Suối Sâu, giáp Tây Ninh: Từ 80 km/giờ xuống 70 km/giờ (riêng ô tô tải và các phương tiện có kết cấu tương tự từ 60 km/giờ xuống 50 km/giờ).

Đường Phạm Văn Đồng (từ vòng xoay Nguyễn Kiệm đến vòng xoay Linh Đông, quận Thủ Đức): Từ 80 km/giờ xuống 70 km/giờ.

Đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ cầu Ông Lớn đến đường Huỳnh Tấn Phát): Từ 80 km/giờ xuống 60 km/giờ (riêng ô tô tải và các phương tiện có kết cấu tương tự từ 60 km/giờ xuống 40 km/giờ, làn xe hỗn hợp tốc độ 40 km/giờ).

Đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc): Từ 70 km/giờ xuống 60 km/giờ (ô tô tải và các phương tiện có kết cấu tương tự từ 60 km/giờ xuống 50 km/giờ).

Đường Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Văn Lượng, Phan Văn Trị (quận Gò Vấp): Từ 60 km/giờ xuống 50 km/giờ (ô tô tải và các phương tiện có kết cấu tương tự từ 60 km/giờ xuống 50 km/giờ, làn xe hỗn hợp tốc độ từ 50 km/giờ xuống 40 km/giờ).

Tránh làm mất hiệu quả khai thác tuyến đường

Việc điều chỉnh giảm tốc độ trên 10 tuyến đường thì cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh làm mất hiệu quả trong việc khai thác các tuyến đường. Đối với các tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT thì cần thiết phải giảm tốc độ, song đây chỉ là giải pháp mang tính thụ động. Cơ quan chức năng cần đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

TS PHẠM SANHchuyên gia giao thông

Coi chừng tăng kẹt cục bộ

Cơ quan chức năng cần xem xét lại việc giảm tốc độ trên 10 tuyến đường ở TP.HCM với lý do là có nhiều TNGT. Thực tế TP.HCM thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe nên cơ quan chức năng cần linh hoạt trong lưu thông, nếu không sẽ xảy ra tình trạng kẹt cục bộ. Bên cạnh đó, cần lắp đặt đầy đủ biển báo để người tham gia giao thông tuân thủ đúng luật giao thông.

Ông TẠ LONG HỶ, Phó Tổng Giám đốc Taxi Vinasun

Do ý thức người tham gia giao thông

Đa số tai nạn xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông. Vì vậy, việc giảm tốc độ lưu thông thì chưa hẳn đã giảm TNGT. Thay vì đưa ra nhiều phương án giải quyết thì cơ quan chức năng nên xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm, đặc biệt là những người không chấp hành biển báo, hiệu lệnh giao thông. Bởi trên thực tế các tuyến đường ở TP.HCM đều rơi vào tình trạng tắc đường. Vì vậy, cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp đồng bộ, thay vì giảm tốc độ lưu thông.

PGS-TS PHẠM XUÂN MAIchuyên gia giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM

Đ.TRANG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm