Ngày 14-4 tại TP.HCM, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu đã có buổi trao đổi, lắng nghe giáo sư Trần Văn Thọ (*) trao đổi về chủ đề Kinhtế Việt Nam trước những biến động của thế giới.
Công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế
Theo giáo sư Thọ, giai đoạn hiện nay kinh tế Việt Nam đang phát triển tương đối ổn định. Năm 2023 dù khó khăn nhưng theo dự báo IMF tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,2%; năm 2024 đạt 6,6% và là một trong hai nước tăng trưởng cao nhất châu Á.
Tuy nhiên, theo điều tra năm 2022 của Bộ Công thương, doanh nghiệp (DN) Việt tham gia công nghiệp hỗ trợ quá ít, chỉ 1.418/ gần 5.000 DN. Đặc biệt, DN FDI trong ngành điện tử chiếm áp đảo với 404/506 DN.
Giáo sư Trần Văn Thọ chia sẻ tại buổi gặp gỡ. ẢNH: TÚ UYÊN
Một số DN nước ngoài mong muốn có DN Việt tham gia để tăng tỉ lệ nội địa hóa nhưng DN Việt đáp ứng nhu cầu của họ còn hạn chế. Trong khi ở Indonesia, Thái Lan trong công nghiệp hỗ trợ DN bản xứ chiếm nhiều hơn DN FDI.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước giàu tài nguyên nông nghiệp, gần 35% lao động là nông dân nhưng vẫn nhập siêu nông phẩm, thực phẩm. Thống kê năm 2020, Việt Nam xuất khẩu nông, thực phẩm 18 tỉ USD nhưng nhập khẩu 22 tỉ USD.
Hiện nay, xung đột Nga-Ukraine, dịch bệnh COVID-19 cùng nhiều yếu tố khác thì lương lực thực phẩm (LTTP) là sản phẩm chiến lược, cần phải chú trọng.
Đây là lợi thế của Việt Nam, làm sao LTTP vừa cung cấp thị trường nội địa, vừa là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, rất quan trọng.
Người tiêu dùng Việt ưa chuộng hàng có yếu tố nước ngoài nhiều hơn hàng trong nước. Ví dụ, xe ô tô của Toyota nhập từ Thái Lan được chuộng hơn là xe lắp ráp trong nước.
Người Việt Nam ưa chuộng hàng ngoại là vấn đề tâm lý. Do đó, chiến lược marketing là một trong những đổi mới sáng tạo quan trọng, làm sao marketing hiệu quả hơn"
GS Trần Văn Thọ
Lý do nông sản trong nước chưa được công nhận
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T, Phó chủ tịch hiệp hội rau quả Việt Nam, nhận định Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông nghiệp nhưng hiện nay thương hiệu Việt chưa có trên bản đồ thế giới.
Nông sản, trái cây Việt Nam xuất khẩu đi khắp nơi nhưng thị trường trong nước lại không công nhận, người tiêu dùng mất niềm tin với nông sản trong nước.
Hiện nay các siêu thị yêu cầu nhà cung cấp phải có giấy tờ như chứng nhận VietGAP đều không hiệu quả. Lý do là hiện nay các sản phẩm nuôi trồng không theo quy trình, không có chuẩn nào vẫn bán như hàng được làm theo tiêu chuẩn.
Người dân mua sắm nông sản tại siêu thị |
Do đó, DN sản xuất kinh tế tuần hoàn hay làm nông nghiệp bền vững… cần phải có luật. Luật phải nằm trong tay ở đầu ra là các nhà bán lẻ.
Chẳng hạn, các nhà bán lẻ đưa ra yêu cầu muốn bán vào siêu thị sản phẩm phải được các tiêu chuẩn như VietGAP, hữu cơ… muốn đạt được các tiêu chuẩn này DN phải thực hiện “thực chất”.
Hơn nữa, trong khi DN đầu tư nhiều chi phí để sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn nhưng ra thị trường nội địa giá trị lại bị đánh đồng, làm cho nền nông nghiệp bất ổn. Vì vậy, những DN đầu tư bài bản không có đất sống, chỉ có thể bán ra nước ngoài.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCL cao cho biết, một phần vì ý thức DN, nông dân thấy không cần thực hiện theo tiêu chuẩn vì có thể “chạy” được giấy chứng nhận. Một phần DN, nông dân có tâm lý làm chứng nhận tiêu chuẩn để đối phó.
"Người nông dân cứ nghĩ chỉ cần trưng ra giấy chứng nhận tiêu chuẩn để người mua hàng yên tâm chứ chưa coi vai trò chất lượng là quan trọng" - bà Hạnh nói.
* Giáo sư Trần Văn Thọ là giáo sư danh dự Đại học Waseda Nhật Bản và là cố vấn kinh tế đã tham gia ban tư vấn chính phủ nhiều năm qua.