Theo hãng tin AFP, ngay trong phiên thảo luận đầu tiên ngày 23-1, toàn bộ 432 nghị sĩ có mặt trên tổng số 450 người đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch sửa đổi Hiến pháp Nga do Tổng thống Vladimir Putin đệ trình trước đó ba ngày.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Viatcheslav Volodine đã đánh giá cao kết quả này khi cho thấy sức mạnh của sự đoàn kết.
Bước tiếp theo sẽ là chuẩn bị các nội dung sửa đổi cho phiên thảo luận thứ hai có thể diễn ra giữa tháng 2-2020. Tổng thống Putin cam kết sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu về kế hoạch sửa đổi Hiến pháp này trong thời gian tới.
Bảng kết quả bỏ phiếu sau phiên thảo luận về sửa đổi Hiến pháp tại Hạ viện Nga. Ảnh: RT
Theo đề nghị sửa đổi của chủ nhân điện Kremlin, dự luật sửa đổi Hiến pháp Nga được chuẩn bị trên cơ sở các đề nghị của nhóm làm việc chuyên môn về sửa đổi Hiến pháp Nga do tổng thống quyết định thành lập.
Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc thêm vào điều khoản yêu cầu các ứng viên tổng thống Nga cần phải cư trú thường xuyên trên lãnh thổ Nga ít nhất 25 năm.
Các ứng viên cũng không được có quốc tịch nước ngoài, không có giấy phép thường trú hoặc các giấy tờ khác xác nhận việc cư trú thường xuyên của công dân Nga tại lãnh thổ nước ngoài trong thời điểm bầu cử hoặc bất kỳ thời điểm nào khác trước đó.
Để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các nhánh hành pháp và lập pháp, Tổng thống Putin cũng đưa ra một số kiến nghị về thủ tục bổ nhiệm thủ tướng và thành viên nội các.
Theo đó, tất cả ứng viên cho các chức vụ kể trên cần được xem xét và phê chuẩn của Hạ viện Nga. Tổng thống chỉ ký quyết định bổ nhiệm sau khi có sự phê chuẩn và không được từ chối.
Các quy trình tương tự cũng được áp dụng với việc bổ nhiệm các bộ trưởng và chức danh tương đương của cơ quan hành pháp.
Đối với Hội đồng Liên bang, ông Putin kiến nghị sửa đổi Hiến pháp hiện hành để cơ quan lập pháp này tham gia việc bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan hành pháp mà ban lãnh đạo của các cơ quan này do tổng thống quyết định.
Hội đồng Liên bang cũng được mở rộng quyền hạn khi có thể đề nghị tổng thống chấm dứt thẩm quyền của các thẩm phán Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và các tòa án cấp dưới trong trường hợp phát hiện các vấn đề gây tổn hại tới danh dự quốc gia cũng như trong các trường hợp khác theo luật liên bang.