538 đại cử tri thuộc Đại cử tri đoàn của Mỹ sẽ bỏ lá phiếu chọn tổng thống tại các bang họ đại diện vào ngày 19-12 tới.
Theo Politico (Mỹ), hiện có hai đại cử tri Dân chủ đang nỗ lực vận động các thành viên Đại cử tri đoàn ngăn chặn ông Donald Trump trở thành tổng thống. Đó là ông P. Bret Chiafalo, một đại cử tri Dân chủ ở bang Washington, người từng tuyên bố phản đối bà Hillary Clinton và đại cử tri Micheal Baca ở bang Colorado.
Hai người này đã thực hiện chiến dịch “Những đại cử tri có lương tâm”, nỗ lực thuyết phục cho được 37 đại cử tri Cộng hòa không bỏ phiếu cho ông Trump. Trước mắt chiến dịch vận động này đã được sự ủng hộ của một đại cử tri là ông Robert Satiacum ở bang Washington.
Trong cuộc bầu cử vừa rồi ông Trump đã chính thức thắng 290 phiếu đại cử tri và đang dẫn đầu sít sao và nhiều khả năng sẽ thắng thêm 16 phiếu ở bang Michigan. Bà Clinton được 228 phiếu đại cử tri. Nếu hai ông Chiafalo và Baca thuyết phục được 37 đại cử tri Cộng hòa thay đổi quyết định thì số phiếu đại cử tri ông Trump sẽ chỉ còn 269 phiếu, không đủ trở thành tổng thống.
Nếu vận động thành công, ông Trump không được 270 phiếu, kết quả bầu cử vừa rồi sẽ bị phong tỏa và quyền quyết định chọn tổng thống sẽ được chuyển về Hạ viện.
Đại cử tri Dân chủ P. Bret Chiafalo đang tích cực vận động Đại cử tri đoàn ngăn chặn ông Trump. Ảnh: KING
Hai đại cử tri P. Bret Chiafalo và Micheal Baca khẳng định họ không vận động các đại cử tri bỏ phiếu cho bà Clinton hay một ứng viên Dân chủ nào. Thật ra cả hai đã có ý định sẽ bỏ phiếu chống bà Clinton nếu bà này thắng ông Trump trong cuộc bầu cử ngày 8-11. Họ dự định sẽ khuyến khích các đại cử tri Cộng hòa bầu cho ứng viên tổng thống Cộng hòa năm 2012 Mitt Romney hoặc Thống đốc Cộng hòa John Kasich - đối thủ ông Trump trong vòng bầu cử sơ bộ.
Hai ông Chiafalo và Baca hy vọng tính cách phân cực của ông Trump có thể sẽ thuyết phục nhiều đại cử tri Cộng hòa phản lại ông ta.
Ngoài cuộc vận động của hai ông Chiafalo và Baca, hiện các đại cử tri cũng đang chịu nhiều áp lực phải lật đổ chiến thắng của ông Trump từ các lá thư kêu gọi của hàng triệu người ủng hộ bà Clinton. Đơn thỉnh cầu trên trang Change.org đã được hơn 4 triệu chữ ký.
Cả hai ông Chiafalo và Baca thừa nhận cơ hội thành công của nỗ lực này rất thấp. Trong lịch sử Mỹ, chuyện các đại cử tri phá bỏ cam kết khá hiếm.
Thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Fairvote, tổng cộng nước Mỹ đã chứng kiến 157 trường hợp đại cử tri không bầu đúng cam kết. Gần một nửa trường hợp rơi vào năm 1872, khi ứng viên Dân chủ Horace Greeley chết ngay sau ngày bầu cử. 82 trường hợp thay đổi nhân vật bầu, ba trường hợp bỏ phiếu trắng. Lần gần nhất là vào năm 2004, một đại cử tri bang Minnesota dự kiến sẽ bầu cho ông John Kerry cuối cùng lại bầu cho ông John Edwards, phó tướng của ông Kerry. Chưa có trường hợp nào thay đổi được kết quả bầu cử.
Chuyện lật kèo ở các đại cử tri hiếm xảy ra một phần dĩ nhiên vì họ không muốn thay đổi mong muốn của cử tri nhưng một phần cũng do các bang có luật quy định các đại cử tri phải bầu cho ứng viên chiến thắng về lá phiếu phổ thông của bang đó. Hiện 29 bang ở Mỹ có luật này, một số chỉ đi kèm với một mức phạt khiêm tốn. Một số luật sư bầu cử cho rằng luật này không có hiệu lực.
Ông Trump đang có nguy cơ sẽ bị các đại cử tri chặn đường vào Nhà Trắng. Ảnh: GETTY IMAGES
Trong bốn đại cử tri Cộng hòa mà Politico đã từng liên lạc hồi tháng 8 và cho biết không hào hứng bầu cho ông Trump thì giờ chỉ còn một người cho biết “có khả năng” sẽ không bầu cho Trump.
Đại cử tri Jane Lynch ở bang Arizona từng nói với Politico hồi tháng 8 rằng với bà việc bỏ phiếu cho ông Trump là việc miễn cưỡng. Sau cuộc bầu cử ngày 8-11, bà Lynch nói dù miễn cưỡng nhưng vẫn sẽ bầu cho ông Trump.
Đại cử tri Chris Suprun ở bang Texas hồi tháng 8 cũng nói với Politico rằng ông cân nhắc từ chối ông Trump nhưng sau đó lại tuyên bố sẽ ủng hộ Trump.
Đại cử tri Baoky Vu bang Georgia từng tiết lộ ông bị đảng Cộng hòa ép từ chức đại cử tri sau khi công khai phản đối ông Trump.
Người duy nhất trong bốn người này là đại cử tri Cộng hòa Art Sisneros ở bang Texas, ngày 14-11 nói vẫn “chưa quyết định” về lá phiếu của mình. Ông Sisneros cho biết ông không bị áp lực từ các lãnh đạo đảng mà là từ những đại cử tri Cộng hòa khác thuyết phục ông bầu cho ông Trump.
Riêng đại cử tri Cộng hòa Erich Reimer bang Virginia nói ông sẽ cân nhắc không bầu cho ông Trump nếu các lãnh đạo đảng Cộng hòa nói rõ có chủ trương muốn các đại cử tri tẩy chay ông Trump.
Theo Politico, dù có thể không đảo ngược được kết quả bầu cử nhưng việc thành viên của Đại cử tri đoàn ra tay vận động nhằm ngăn chặn ông Trump có thể dẫn tới trường hợp một tổng thống đắc cử không được sự ủng hộ của nhiều đại cử tri nhất trong lịch sử.
Ngoài ra việc này cũng sẽ khiến Mỹ phải xem lại có nên duy trì hệ thống Đại cử tri đoàn hay không. Đây là một trong những mục tiêu mà ông Baca nhắm đến. Gần đây đảng Dân chủ đã hai lần hụt mất chiến thắng vì Đại cử tri đoàn, dù ứng viên của đảng Dân chủ thắng ở số phiếu phổ thông. Đó là trường hợp bà Clinton và trường hợp ông Al Gore năm 2000.