Hôm 8-3, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Đại sứ Mỹ Harry Harris đã ký thỏa thuận chia sẻ chi phí để duy trì hoạt động của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK).
Tổng thống Donald Trump trước đó đã gây áp lực với Seoul để tăng thị phần của mình, gây ra lo ngại ở Hàn Quốc rằng ông có thể rút một số trong 28.500 lính Mỹ ở đây nếu Seoul từ chối chấp nhận yêu cầu của ông.
Như vậy, sau nhiều vòng đàm phán thất bại, đại diện hai nước đã đồng ý về việc Seoul trả khoảng 1,04 nghìn tỷ won (924 triệu USD) vào năm 2019 cho sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận đổ bộ kết hợp quân sự tại Pohang, Hàn Quốc. Ảnh: AP
Hồi đầu tuần, Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu một khóa huấn luyện quân sự nhỏ thay vì những trận diễn tập quân sự khổng lồ. Cuộc diễn tập này khai mạc hôm 4-3 với sự góp mặt của một số đơn vị hải lục không quân Hàn Quốc, cùng binh sĩ thuộc Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) và Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ.
Việc thu nhỏ quy mô tập trận là một phần nỗ lực xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.
Tuy nhiên, hôm 7-3 truyền thông nhà nướcTriều Tiên (KCNA) vẫn lên tiếng chỉ trích các cuộc tập trận quân sự chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc là thách thức đối với các nỗ lực để hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên trước nay luôn lên án các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc là hành vi khiêu khích, tập dượt cho sự xâm chiếm.
Sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore năm ngoái, ông Trump đã đơn phương tuyên bố đình chỉ một cuộc tập trận lớn khác của Hoa Kỳ-Hàn Quốc, gọi các cuộc tập trận chung là một trò chơi rất khiêu khích.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc thiếu các cuộc tập trận chung toàn diện cuối cùng có thể sẽ làm suy yếu sự sẵn sàng quân sự của quân đồng minh nếu ngoại giao thất bại và căng thẳng với Triều Tiên trở lại.
Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 27 và 28-2 tại Hà Nội kết thúc sớm hơn dự kiến và không có thỏa thuận nào được ký kết.
Sau đó không lâu, các nhà nghiên cứu thuộc viện chính sách của Mỹ và Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đã khôi phục bãi thử tên lửa tầm xa Sohae. Phản ứng trước thông tin này, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ “rất, rất thất vọng” nếu các báo cáo trên là chính xác.
Quân đội Mỹ đã hiện diện quân sự tại Hàn Quốc trong suốt khoảng thời gian những năm 1950-1953 và Seoul bắt đầu chi trả cho việc triển khai quân sự của Mỹ vào đầu những năm 1990, sau khi đất nước này xây dựng lại nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá. Sự hiện diện lớn của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc được cho là biểu tượng của liên minh các quốc gia. |