Sở Công thương TP.HCM cho biết để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng Tết Tân Sửu 2021, Sở đã phối hợp với các sở ngành, làm việc với các doanh nghiệp (DN).
Theo đó, các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng Tết là hơn 19.600 tỷ đồng, tăng 3,43% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết 2020. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường hơn 7.100 tỷ đồng.
Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, tổng giá trị hàng hóa DN chuẩn bị hơn 10.400 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường hơn 4.100 tỷ đồng.
Lượng hàng hoá chuẩn bị tăng đến 17,3% so với kế hoạch thành phố giao. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối nhu cầu thị trường từ 22%- 54,5% như thịt gia súc hơn 5.594,4 tấn, thịt gia cầm hơn 7.4800 tấn, trứng gia cầm 67,9 triệu quả; gạo 3.943,2 tấn…
Người dân mua sắm chuẩn bị tết năm 2020
Nguồn hàng thiết yếu cung ứng cho người dân thành phố chủ yếu từ các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm 30%- 40% thị phần. Các chợ đầu mối chiếm 60%-70%, các DN khác chiếm 10%- 20% thị phần.
Đối với mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố ước khoảng 48,5 triệu lít/tháng Tết, khoảng 6 triệu thùng, tăng khoảng 20% so với tháng thường. Hiện nay, các DN đã và đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch cung ứng Tết giá cả ổn định.
Về giá, các DN bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết.
Trong tháng cận Tết nhằm kích thích mua sắm, DN sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Giá cả không tăng nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức mua và tiêu thụ của người dân trong tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Các hệ thống phân phối lớn như dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá đến 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.
Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa Tết, Sở vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng.
Cụ thể, từ 20 đến 27-12 tháng chạp âm lịch mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ đêm. Ngày 28 và 29-12 tháng chạp âm lịch mở cửa từ 6 giờ sáng đến 24 giờ và 30 tháng chạp âm lịch mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa.
Bộ Công thương có công văn đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành các đơn vị thuộc Bộ… sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết 2021. Cụ thể, Sở Công Thương các tỉnh thành theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Không để xảy ra thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Chủ động tham mưu UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong trường hợp có dịch bệnh hoặc Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật. |